XD phong cách Bản lĩnh, nhân văn

Ban hành kế hoạch Năm an toàn giao thông 2024 trên địa bàn tỉnh.

Thứ sáu - 26/01/2024 15:31 1.099 0
Ngày 18/01/2024, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND về Năm an toàn giao thông 2024 trên địa bàn tỉnh.
Với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, kế hoạch xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm. Để thực hiện có hiệu quả Năm an toàn giao thông 2024, Chủ tịch UBND tỉnh phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan các nhiệm vụ trọng tâm.
         
Đối với Công an tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định tại Kế hoạch số 79-KH/TU ngày 15/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chỉ đạo lực lượng Công an thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-BCA ngày 09/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới”, Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 10/3/2023 của UBND tỉnh về phòng, chống tai nạn giao thông do xe khách gây ra trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 1619/QĐ-UBND ngày 16/5/2023 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh và các chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh.

         
Mở đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, trật tự an toàn xã hội trong các dịp lễ, tết, trọng tâm là dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội Xuân năm 2024. Triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm TTATGT, dẫn đoàn phục vụ các hội nghị, sự kiện chính trị lớn, quan trọng của tỉnh.

         
Đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT; vận động toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ); phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, phát triển phong trào TDBVANTQ và TTATGT với các cuộc vận động, những mô hình phù hợp, thiết thực, có hiệu quả cao; chú trọng các nội dung về xây dựng văn hóa giao thông cho thanh, thiếu niên, người điều khiển mô tô, xe gắn máy, doanh nghiệp và lái xe vận tải khách. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về TTATGT cho đối tượng thường vi phạm tại địa phương, cho viết cam kết không tái phạm. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, lái xe ký cam kết chấp hành pháp luật về TTATGT.

         
Triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, bảo đảm an toàn cháy, nổ đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quản lý phương tiện giao thông và hoạt động vận tải; sẵn sàng phương án cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).

         
Tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổng hợp số liệu tình hình TTATGT hàng ngày (gồm: số vụ TNGT, kết quả xử lý vi phạm,...) cung cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định, Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn để kịp thời đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổng hợp số liệu vi phạm TTATGT, trên cơ sở đó xác định các cơ sở đào tạo có nhiều tài xế vi phạm để có biện pháp xử lý thích đáng nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh.

         
Tăng cường tuần tra kiểm soát, chú trọng tuần tra lưu động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cũng như phương án sử dụng thiết bị ghi hình của các tổ chức được giao quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về TTATGT; tập trung kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT trong đó tập trung các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ đối với người lái xe; mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; xe ô tô hết niên hạn và quá hạn kiểm định; giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông; sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; phương tiện thủy chở quá tải, không đăng ký, không đăng kiểm, không trang bị hoặc thiếu dụng cụ cứu sinh,... Tăng cường kiểm tra, xử lý xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơ móc và xe hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông trên đường giao thông công cộng theo quy định. Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT đều phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về thủ trưởng cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định.

         
Huy động lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, lực lượng nghiệp vụ phối hợp với Cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT. Tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Cảnh sát trật tự, lực lượng liên quân bảo đảm trật tự công cộng, trật tự đô thị, làm giảm TNGT và phòng ngừa tội phạm.

         
Chỉ đạo các lực lượng chức năng, Công an các địa phương kiểm tra, rà soát, nghiêm túc thực hiện việc tổng hợp số liệu thống kê báo cáo theo đúng quy định, đồng thời, tập trung đánh giá, phân tích cụ thể tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp khả thi, hiệu quả nhằm tăng cường công tác bảo đảm TTATGT, giảm thiểu TNGT.

         
Tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT; các vụ TNGT có đủ yếu tố cấu thành tội phạm phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng để kiên quyết xử lý bằng pháp luật hình sự.

         
Thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, chủ động phát hiện và kiến nghị các bất hợp lý về tổ chức giao thông.

         
Thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, đảm bảo đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính trong việc xử lý vi phạm trật tự ATGT, đăng ký phương tiện cơ giới đường bộ và giải quyết TNGT.

         
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng ứng dụng báo thông tin tai nạn giao thông trên nền tảng kỹ thuật số nhằm kịp thời nắm bắt thông tin để xử lý và khắc phục hậu quả của TNGT.

         
Ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm TTATGT, cơ sở dữ liệu TNGT theo hướng dẫn của Bộ Công an để có biện pháp bảo đảm TTATGT kịp thời, hiệu quả. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông; trong đó có kết nối và chia sẻ với hệ thống dữ liệu đăng ký phương tiện, đăng kiểm phương tiện, giấy phép lái xe theo hướng dẫn của Bộ Công an. Tiếp nhận, quản lý và vận hành hệ thống camera để giám sát, chỉ huy điều hành giao thông, xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn tỉnh do Bộ Công an và UBND tỉnh đầu tư.

         
Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm về TTATGT trên địa bàn tỉnh”, “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng mô hình xã, phường, thị trấn “Tự quản về ATGT”, “Thắp sáng Quốc lộ”, “Thắp sáng đường quê”,...

         
Đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến trong công tác bảo đảm TTATGT. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, sai phạm, chấn chỉnh việc tuân thủ quy trình công tác, tư thế, tác phong, văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sỹ trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, tạo chuyển biến rõ nét về hình ảnh người Cảnh sát giao thông bản lĩnh, nhân văn, thân thiện, vì Nhân dân phục vụ.

Tác giả bài viết: Thiên Trúc

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây