Logo CAND

Phát động phong trào thi đua “Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Định”.

Thứ hai - 01/07/2024 10:44 215 0
Ngày 25/06/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 126/KH-UBND về phát động phong trào thi đua “Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Định”. Phong trào thi đua được triển khai, thực hiện từ ngày 25/6/2024 đến hết 31/12/2024.
Phát động phong trào thi đua “Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Định”.
Kế hoạch nhằm tạo động lực mạnh mẽ trong hoạt động bảo đảm TTATGT ở tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, thủy nội địa, hàng hải và hàng không để thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2024 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.
         
Các tổ chức, cá nhân thi đua thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao, phấn đấu kéo giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) so với năm 2023; giảm TNGT do nguyên nhân uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng; giảm TNGT liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải.

         
Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong cộng đồng.

         
Đồng thời, phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, thông qua phong trào thi đua, tạo động lực cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người làm công tác bảo đảm TTATGT trong các đơn vị, địa phương quyết tâm phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện tốt chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.

         
Ngoài ra, kế hoạch cũng nhằm kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua bảo đảm TTATGT trên toàn tỉnh.

         
Theo kế hoạch, các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh, các tổ chức chính trị, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cần gắn chặt công tác bảo đảm TTATGT với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của từng địa phương, tập trung thực hiện tốt 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm:

         
(1) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ thị, quyết định, kế hoạch của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, UBND tỉnh liên quan đến công tác này.

         
(2) Xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT, nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn; lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải.

         
(3) Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt theo đúng tiến độ Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 23/7/2021 của UBND tỉnh và Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

         
(4) Nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường.

         
(5) Kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp vận tải.

         
(6) Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm bảo đảm TTATGT, đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý vận tải và xử lý vi phạm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành Giao thông Vận tải, Công an, Y tế, Tài chính.


(7) Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả TNGT; cải thiện năng lực sơ cứu TNGT cho nhân viên y tế thôn, bản, trạm y tế; nâng cao năng lực chuyên môn, phương tiện, trang thiết bị cho bệnh viện và trung tâm y tế tuyến huyện bảo đảm khả năng tiếp cận hiện trường và cứu chữa đa số thương tích cho nạn nhân TNGT; khẩn trương xây dựng ứng dụng báo thông tin TNGT trên nền kỹ thuật số nhằm kịp thời nắm bắt thông tin để xử lý và khắc phục hậu quả của TNGT.

Tác giả bài viết: Thiên Trúc

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây