XD phong cách Bản lĩnh, nhân văn

6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân: Ý nghĩa giáo dục sâu sắc, rộng lớn và bền vững

Thứ ba - 17/05/2022 09:29 102.635 0
Công an nhân dân (CAND) Việt Nam là một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng và Nhà nước; lực lượng làm nòng cốt, xung kích trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh Tổ quốc và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội;…Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm đặc biệt và sự lãnh đạo thường xuyên, sâu sát, cụ thể đối với CAND.
6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân: Ý nghĩa giáo dục sâu sắc, rộng lớn và bền vững
Năm 1948, Báo Bạn dân (Nội san của Công an Khu XII) ra số Tết Nguyên đán Mậu Tý. Đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII đã gửi số báo Tết đó biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi đồng chí Hoàng Mai. Mở đầu bức thư, Người viết: “Bác đã nhận được thư và báo cháu gửi tặng Bác. Bác thấy có sự cố gắng, đáng hoan nghênh. Nhưng báo theo cháu nói, từ 24 đến 32 trang thì dài quá. Cần làm ngắn lại và viết những vấn đề thật thiết thực, mọi người đọc đều có thể hiểu và làm được. Như thế mới có tác dụng giúp đẩy mạnh công tác, đẩy mạnh thi đua. Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em Công an nhận rõ Công an của ta là CAND, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong.
Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách của người Công an cách mệnh là:
                             Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
                             Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ
                             Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
                             Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép
                             Đối với công việc, phải tận tụy.
                             Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập tư cách người Công an cách mạng khi Đảng Cộng sản đã cầm quyền và Nhà nước cách mạng đã trải qua 3 năm xây dựng, phát triển và đang tổ chức sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của toàn dân tộc và xây dựng chế độ xã hội mới. CAND là lực lượng quan trọng trong bộ máy Nhà nước cách mạng góp phần vào sự nghiệp vẻ vang đó. Công an cách mạng Việt Nam ngay từ buổi đầu xây dựng gắn liền với sự ra đời của Nhà nước cách mạng và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Vì vậy, tư cách của người Công an cách mạng thống nhất về bản chất trong tư cách của người cách mạng, người cộng sản, người cán bộ, công chức của một Nhà nước cách mạng kiểu mới - Nhà nước phục vụ nhân dân chứ không phải cai trị nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu CAND phải gần dân, vì dân, kính trọng, lễ phép với nhân dân, lấy sự tin yêu của nhân dân để đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc. Do đó, CAND phải nhận thức rõ sức mạnh và vai trò của nhân dân đối với công tác công an, phải làm sao cho nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự cũng là nhiệm vụ của toàn dân. Người chỉ rõ: “... Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao để có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cầm quyền mong muốn và quyết tâm xây dựng một Nhà nước cách mạng thật sự của dân, do dân, vì dân. Trên thực tế, Nhà nước đó đã làm được nhiều việc có lợi cho dân, song một số cán bộ, công chức đã có những lầm lỗi, khuyết điểm mà Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17/10/1945 gửi Ủy ban nhân dân các cấp đã thẳng thắn chỉ ra như: Trái phép, Cậy thế, Hủ hóa, Tư túng, Chia rẽ, Kiêu ngạo. Sau 2 năm cầm quyền, tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, nêu rõ những nội dung về xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhiều vấn đề về đạo đức cách mạng. Người đặc biệt nhấn mạnh Tư cách và đạo đức cách mạng, Tư cách của Đảng chân chính cách mạng với 12 điều cơ bản. Từ tư cách của một người cách mệnh đến tư cách của Đảng chân chính cách mạng là sự phát triển và thống nhất nhận thức, hành động trong tiến trình cách mạng để xây dựng một chế độ xã hội mới, bảo đảm thực hiện những mục tiêu cao cả của cách mạng…
Mỗi một giai cấp, một lực lượng chính trị, một Đảng chính trị khi cầm quyền đều chú trọng xác lập nền tảng, chế độ kinh tế và xây dựng chế độ chính trị, kiến trúc thượng tầng thích hợp. Chế độ chính trị và kiến trúc thượng tầng đòi hỏi không ngừng hoàn thiện nhà nước, pháp luật, ý thức hệ và đạo đức. Đạo đức là một trong những hình thức sớm nhất của ý thức xã hội, là bộ phận quan trọng trong kiến trúc thượng tầng xã hội. Đạo đức là những chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với người khác và cộng đồng (gia đình, làng xóm, giai cấp, dân tộc, quốc gia, xã hội). Mỗi một giai cấp, dân tộc có những chuẩn mực phù hợp với giai cấp, dân tộc mình và phát triển cùng với các thời đại lịch sử. Người ta căn cứ vào các chuẩn mực đó mà đánh giá hành vi của mỗi cá nhân thành viên của xã hội theo quan niệm về thiện và ác, về những điều không được làm vì vi phạm đạo đức và những gì mà mỗi người phải làm, hợp với đạo đức. Khác với pháp luật, đạo đức không làm thành văn bản pháp quy có tính bắt buộc, mà mọi người tự giác thực hiện theo sự thôi thúc của lương tâm, lòng tự trọng và được kiểm soát bởi dư luận xã hội…
Chuẩn mực đạo đức của người Công an cách mạng thống nhất với chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản, người cán bộ, công chức của Nhà nước, đồng thời thể hiện đặc điểm riêng của công tác Công an. CAND là lực lượng có nhiệm vụ cao cả, nặng nề là bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và cuộc sống bình yên của nhân dân, chống các thế lực phản động, thù địch và các loại tội phạm, giữ gìn ANQG và TTATXH. Nhiệm vụ đó không chỉ là bảo vệ mà còn có ý nghĩa xây dựng xã hội mới, tạo dựng đời sống xã hội tốt đẹp. Ở mỗi thời kỳ cách mạng, kể cả trong hòa bình xây dựng đất nước, nhiệm vụ đó không hề giảm nhẹ, đòi hỏi người Công an cách mạng không ngừng nâng cao trình độ và rèn luyện đạo đức mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Cùng với việc xây dựng CAND về tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm xây dựng đạo đức, tư cách người Công an cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên thực hành, nêu gương về đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm và phải tu dưỡng đạo đức suốt đời như đã nêu trong 6 điều Bác Hồ dạy CAND về tư cách người công an cách mệnh. Lực lượng CAND được tôi luyện qua các thời kỳ cách mạng đã trở thành đội ngũ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, “chỉ biết còn Đảng thì còn mình”, trung thành vô hạn với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Người căn dặn lực lượng CAND, trong công tác, chiến đấu phải luôn ghi nhớ, giữ vững và thực hiện nghiêm các nguyên tắc, phương pháp, biện pháp công tác là, “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”; Chủ động phòng ngừa, tích cực tiến công; “cảnh giác giữ bí mật”; “Đánh địch phải đánh cho đúng, như “đánh rắn phải đánh dập đầu”; “phải hết sức cẩn thận và khôn khéo, nghiêm khắc với kẻ ngoan cố, đối với người thật sự cải tạo thì khoan hồng”; phải sử dụng thành thục, chính xác các phương tiện kỹ thuật... Đây chính là những chỉ dẫn quan trọng, làm cơ sở hình thành, bổ sung, hoàn thiện lý luận nghiệp vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Có thể thấy những lời dạy quý báu của Người được triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc và trở thành một phong trào thi đua lớn, được phát động rộng rãi trong toàn lực lượng CAND - Phong trào thi đua học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy. 6 điều Bác Hồ dạy về tư cách người Công an cách mệnh có nội dung vô cùng sâu sắc, phong phú với đầy đủ ý nghĩa cách mạng và khoa học, thể hiện đầy đủ bản chất của CAND.
Suốt 74 năm qua, 6 điều Bác dạy luôn là kim chỉ nam trong mọi hành động của cán bộ chiến sĩ CAND cả nước nói chung và Công an tỉnh Bình Định nói riêng. Từ phong trào thi đua học tập, thực hiện 6 điều Bác dạy đã xuất hiện rất nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu, lập công xuất sắc trên các lĩnh vực công tác, chiến đấu. Cho đến hôm nay, những lời dạy quý báu của Người vẫn tươi nguyên giá trị, bởi nội dung, ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với quá trình công tác, chiến đấu, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an. Đó là những phẩm chất không thể thiếu, là nhân tố quyết định để lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội sẽ rất nặng nề, khó khăn, đòi hỏi lực lượng CAND phải nỗ lực cố gắng vượt bậc, nêu cao bản lĩnh chính trị, ý thức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân, không ngừng học tập nâng cao trình độ, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Để 6 Điều bác Hồ dạy CAND thực sự đi vào chiều sâu và hiệu quả, thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau đây:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, yêu cầu của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đến từng cán bộ chiến sỹ CAND; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện làm theo sát thực, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và việc làm theo, nêu gương của CBCS làm thước đo kết quả học tập và làm theo gương Bác Hồ. 
Hai là, tiếp tục nêu cao vai trò của cấp ủy, thủ truởng đơn vị trong thực hiện 6 Điều Bác Hồ dạy CAND, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, chú trọng làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, cụ thể hằng ngày của mỗi đơn vị, cá nhân. Coi trọng vai trò tiên phong, gương mẫu, nêu gương “nói đi đôi với làm” của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong toàn lực lượng.
Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, mở chuyên mục; tăng lượng phóng sự, bài viết phản ánh sâu sắc về những mô hình kinh nghiệm hay, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND. Tăng cường phối hợp, tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và 6 điều Bác Hồ dạy CAND nói riêng vào các dịp lễ trọng đại của đất nước và ngày truyền thống của lực lượng CAND (19-8). Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.




 

Tác giả bài viết: Thiên Trúc - BTC Tỉnh ủy

Tổng số điểm của bài viết là: 24 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây