Logo CAND

Tạm đình chỉ, đình chỉ, phục hồi hoạt động trong lĩnh vực PCCC

Thứ tư - 22/09/2021 17:13 1.227 0
Tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động là biện pháp ngăn ngừa nguy cơ xảy ra cháy, nổ hoặc giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra cháy, nổ. Nội dung và thẩm quyền thực hiện việc tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động được quy định cụ thể tại Điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, hoạt động của cá nhân có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc có các hành vi vi phạm quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động; việc tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động do: Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng Công an cấp xã thực hiện tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm và phạm vi quản lý.

Để thực hiện đúng quy định của pháp luật, khi phát hiện nguy cơ trực tiếp phát sinh ra cháy, nổ hoặc có hành vi vi phạm quy định về PCCC được nêu tại điểm b, c khoản 1 Điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, người đang thi hành nhiệm vụ yêu cầu tổ chức, cá nhân ngừng hoạt động hoặc chấm dứt hành vi vi phạm và lập biên bản xác định phạm vi nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy; ra quyết định hoặc báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động theo Mẫu số PC13 ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Trường hợp cấp thiết có thể ra quyết định tạm đình chỉ bằng lời nói và sau đó phải thể hiện quyết định bằng văn bản, khi ra quyết định tạm đình chỉ bằng lời nói phải xưng rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, phạm vi và những hoạt động bị tạm đình chỉ (trường hợp người có thẩm quyền sau khi ra quyết định tạm đình chỉ bằng lời nói, chưa thể hiện bằng văn bản mà nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy đã được loại trừ hoặc khắc phục ngay thì có thể quyết định phục hồi hoạt động bằng lời nói).
Việc tạm đình chỉ hoạt động chỉ giới hạn trong phạm vi nhỏ nhất và theo nguyên tắc nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ xuất hiện ở phạm vi nào hoặc vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy ở phạm vi nào thì tạm đình chỉ hoạt động trong phạm vi đó; thời hạn tạm đình chỉ hoạt động được xác định căn cứ vào điều kiện, khả năng loại trừ nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ, khả năng khắc phục vi phạm về phòng cháy và chữa cháy nhưng không vượt quá 30 ngày.
Hết thời hạn tạm đình chỉ hoạt động, người có thẩm quyền đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động trước đó có trách nhiệm tổ chức kiểm tra cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và hoạt động của cá nhân bị tạm đình chỉ để xem xét khả năng loại trừ nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc khắc phục vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy. Việc kiểm tra phải được lập thành biên bản theo Mẫu số PC10 ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP; kết thúc kiểm tra, nếu xét thấy nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ chưa được loại trừ hoặc vi phạm không được khắc phục hoặc không thể khắc phục được thì người có thẩm quyền đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động trước đó xem xét, ra quyết định đình chỉ hoạt động theo Mẫu số PC14 ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.
Sau khi ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử, phương tiện truyền thông về việc tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, cá nhân không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đến khi được phục hồi hoạt động. Nội dung công bố công khai gồm tổ chức, cá nhân vi phạm, hành vi vi phạm, hình thức xử lý.
Trong thời gian đang thực hiện quyết định tạm đình chỉ hoạt động hoặc đình chỉ hoạt động, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình đã loại trừ xong nguy cơ phát sinh cháy, nổ hoặc khắc phục được các hành vi vi phạm quy định về PCCC và có văn bản đề nghị phục hồi hoạt động (theo mẫu Mẫu số PC15 ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP), trong thời hạn 07 ngày làm việc, cán bộ được giao theo dõi phải báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trước đó tổ chức kiểm tra kết quả khắc phục nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ, khắc phục vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, cá nhân và lập biên bản theo Mẫu số PC10 ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Nếu nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ đã được loại trừ và vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy đã được khắc phục, người đã ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động xem xét, ra Quyết định phục hồi hoạt động theo Mẫu số PC16 ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP; trường hợp nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ chưa được loại trừ và vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy chưa được khắc phục thì người có thẩm quyền không ra Quyết định phục hồi hoạt động và có văn bản trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân theo hình thức tương ứng với hình thức mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đã gửi văn bản đề nghị phục hồi trước đó./.

Tác giả bài viết: Trương Quang Tú - Phòng CSPCCC&CNCH

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây