Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ năm - 04/05/2023 07:473640
Sáng 20/4/2023, tại Công an tỉnh, Ban Chỉ đạo về Nhân quyền (viết tắt là BCĐNQ) tỉnh Bình Định phối hợp với Văn phòng Thường trực (viết tắt là VPTT) BCĐNQ Chính phủ tổ chức Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền năm 2023 cho thành viên BCĐNQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội - đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo và cán bộ theo dõi công tác nhân quyền thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công an các đơn vị, địa phương (khoảng 120 đại biểu). Đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban BCĐNQ tỉnh chủ trì Hội nghị.
Tham dự và báo cáo tại Hội nghị, có Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ - Phó Chánh VPTT BCĐNQ Chính phủ; Trần Chi Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc và các thành viên VPTT BCĐNQ Chính phủ.
Hội nghị tập huấn công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân trong công tác bảo vệ quyền con người và phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với âm mưu, hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban BCĐNQ tỉnh và Đại tá Ngô Cự Vinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban BCĐNQ tỉnh cho biết, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐNQ tỉnh đã tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trên địa bàn tỉnh ta còn một số tồn tại, như nhận thức về công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân còn hạn chế; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác bảo đảm, đấu tranh về nhân quyền chưa thường xuyên, chặt chẽ, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng, cụ thể, nhất là trong công tác thông tin, tuyên truyền và đấu tranh với hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Đảng, Nhà nước ta…; hiệu quả hoạt động của BCĐNQ tỉnh và các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Đồng thời nhấn mạnh, công tác nhân quyền là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống trính trị, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài; công tác nhân quyền là kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ và đấu tranh, trong đó, chủ động phòng ngừa, bảo vệ là quan trọng, tạo sự chuyển biến từ cơ sở, giữ vững ổn định từ bên trong, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, công tác tôn giáo, dân tộc, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chính sách với người dễ bị tổn thương, tạo cơ sở thuận lợi để tuyên truyền đối ngoại về thành tựu nhân quyền của tỉnh ta nói riêng và Việt Nam nói chung; không để sơ xuất để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền.
Tại Hội nghị, đại biểu được nghe báo cáo viên truyền đạt 02 chuyên đề: Công tác nhân quyền trong tình hình mới, Quyền của người DTTS và hoạt động lợi dụng vấn đề DTTS chống phá ta của các thế lực thù địch; đồng thời, xem phim tư liệu “Vạch trần âm mưu lợi dụng nhân quyền để chống phá của các thế lực thù địch”. Qua đó, đại biểu được cung cấp thông tin toàn diện, cập nhật tình hình thực tiễn về công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền trong tình hình hiện nay.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác VPTT BCĐNQ Chính phủ làm việc với Công an tỉnh để khảo sát, kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai công tác nhân quyền tại Công an tỉnh nhằm đánh giá kết quả, những khó khăn, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; qua đó, Đoàn công tác đã góp ý, định hướng cho công tác nhân quyền của Công an tỉnh trong thời gian tới.