Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ năm - 20/04/2023 16:473540
Chiều 18/4/2023, Bộ Công an tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 16-¬NQ/ĐUCA ngày 18/1/2023 của Đảng ủy CATW, sinh hoạt chuyên đề về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến đến Công an các địa phương trên cả nước. Dự tại điểm cầu Bộ Công an có lãnh đạo Cục Công tác Đảng và công tác chính trị; Hội Phụ nữ, Công đoàn CAND; đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
Tham dự ở điểm cầu Công an tỉnh Bình Định, tại Hội trường Trung tâm thông tin chỉ huy Công an tỉnh, có đồng chí Đại tá Đặng Hồng Thọ - Tỉnh uỷ viên, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công an tỉnh; đồng chí Thiếu tá Châu Thị Ngọc Hồng, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh và các thành viên Hội phụ nữ Công an tỉnh. Tại Hội trường Công an các huyện, thị xã, thành phố có Hội Phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố.
Tại Hội nghị, Thiếu tướng Đặng Ngọc Bách, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương lần lượt quán triệt Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Nghị quyết số 16-NQ/ĐUCA ngày 18/01/2023 của Đảng ủy CATW về tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; sinh hoạt chuyên đề về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 12 là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện trong xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; là lực lượng vũ trang nhân dân sắc bén, mang bản chất của giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; mang tính Nhân dân và tính dân tộc sâu sắc; có hệ thống tổ chức tập trung, thống nhất, chuyên sâu, xuyên suốt, tinh, gọn, mạnh; có đội ngũ CBCS tinh nhuệ; pháp chế, kỷ luật, kỷ cương được tăng cường; tiềm lực hậu cần, kỹ thuật hiện đại.
Nội dung Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị khóa XIII có tầm quan trọng đặc biệt, với tư tưởng, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt và nhất quán: Xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, đây là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, có tính nguyên tắc và cũng là lý do tồn tại của lực lượng Công an. Cùng với đó là phải ưu tiên các nguồn lực để xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn kỷ cương, trật tự xã hội trong giai đoạn mới.
Về tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giúp toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu rõ, quán triệt sâu rộng và thực hiện có hiệu quả công tác này. Cuốn sách do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức xuất bản, ra mắt bạn đọc vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 3/2/2023). Cuốn sách gồm 3 phần:
Phần thứ nhất: Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, gồm bài viết tổng quan của Tổng Bí thư đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (năm 2013) đến nay; phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng và kết luận tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo.
Các bài viết, bài phát biểu thể hiện tư duy lý luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực tiễn và những kết quả đạt được, những bước tiến trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam trong 10 năm (2012 - 2022). Xuyên suốt các bài viết, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư cho thấy sự chỉ đạo rất sát sao, cụ thể và nhất quán của người đứng đầu Đảng, nhắc nhở mỗi cơ quan, đơn vị, đặc biệt là mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần làm cho “Đảng ta, Nhà nước ta luôn trong sạch, vững mạnh; toàn hệ thống chính trị vững mạnh”.
Phần thứ hai: Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc, gồm 22 bài viết tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong công tác phòng, chống tham nhũng thì cùng với chống là xây, cùng với đấu tranh là ngăn chặn, do vậy xuyên suốt các bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng qua các thời kỳ, trên nhiều cương vị công tác, đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau cho thấy, đồng chí luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố lòng tin của Nhân dân với vai trò lãnh đạo của Đảng, với công cuộc xây dựng đất nước.
Trong bài viết “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 8/1986 với bút danh Phan Chính, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Đảng phải đổi mới công tác của mình, nhất là đổi mới quan niệm và tư duy, đổi mới bộ máy và hình thức tổ chức, đổi mới công tác cán bộ, đổi mới phong cách và lề lối làm việc… nhìn thẳng vào tình hình, thấy rõ ưu điểm để phát huy, thấy hết khuyết điểm, sai lầm để sửa chữa”; đồng thời phải “kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong Đảng”.
Trong bài viết “Bài học lịch sử vô giá” (1987), đồng chí cho rằng phải “Khẩn trương làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hoá về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên”. Trong các bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhận diện hàng loạt những “căn bệnh”, những hành vi tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, vẫn còn tính thời sự cho đến nay: như “Bệnh sợ trách nhiệm” (1973); “Của công, của riêng” (số 6/1978); “Móc ngoặc” (số 8/1978), “Làm xiếc” (bút danh Trọng Nghĩa, 1985)…
Phần thứ ba: Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, gồm ý kiến đánh giá, sự đồng tình, ủng hộ, ghi nhận của Nhân dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Sự ủng hộ, tin tưởng của Nhân dân thuộc mọi tầng lớp, trên mọi vùng miền, từ nhà báo, nhà văn…, cho đến những cán bộ hưu trí, đảng viên, cho thấy sức lan toả rộng khắp, sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” nhằm xây dựng Đảng, xây dựng đất nước. Sự tin tưởng vào tương lai, vào cơ đồ của dân tộc của đông đảo các tầng lớp nhân dân chính là sự phản bác đanh thép nhất trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.