Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ ba - 11/06/2024 20:481680
Gần đây, nhiều vụ cháy nhà ở đơn lẻ xảy ra trên địa bàn cả nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thực tế này tiếp tục đặt ra yêu cầu nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của mỗi người, mỗi nhà.
Theo thống kê của Công an tỉnh, từ ngày 15/12/2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 35 vụ cháy, tăng 21 vụ so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 13 vụ cháy nhà ở đơn lẻ và 04 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh khác, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Qua điều tra các vụ cháy, nổ nhà ở xảy ra gần đây, có đến 45,7% số vụ cháy xảy ra do sự cố hệ thống thiết bị điện, 8,6% do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng lửa, nhiệt.
Các hành vi phổ biến là: Để chất, vật dụng dễ cháy gần khu vực ngọn lửa trần; bố trí bàn thờ phía trên các vật dụng, chất dễ cháy; đốt vàng mã không đúng nơi quy định, không có biện pháp che chắn dẫn đến tàn lửa phát tán vào thiết bị, đồ dùng, vật liệu dễ cháy; dây dẫn lắp đặt, sử dụng lâu ngày dẫn đến oxy hóa, làm mòn lớp vỏ cách điện; cắm nhiều thiết bị điện cùng lúc vào một ổ cắm, tự ý tăng thêm thiết bị điện có công suất lớn, sử dụng dây dẫn, thiết bị điện kém chất lượng…
Điển hình, vụ cháy xảy ra lúc 13h04’ ngày 11/5/2024, tại nhà ông V.T.N ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn được xác định do sự cố hệ thống thiết bị điện. Cụ thể, gia đình ông N đã lấy dây điện của quạt treo tường nối trực tiếp vào dây của máy điều hòa dẫn đến chập điện và gây cháy.
Trong khi đó, gia đình bà P.T.T.T ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát lại bất cẩn trong khi đốt rác ngay trước nhà dẫn đến cháy vào lúc 11h10’ ngày 21/4/2024. Rất may, vụ cháy đã được lực lượng chữa cháy kịp thời khống chế, ngăn cháy lan sang vị trí đậu ô tô con và ô tô tải của gia đình gần đó.
Theo Thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh: Các vụ cháy có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung vẫn là do ý thức cá nhân của mỗi người về công tác PCCC tại chỗ chưa cao.
“Qua kiểm tra thực tế và điều tra nguyên nhân từ các vụ cháy nhà ở đơn lẻ, chúng tôi nhận thấy ý thức, kiến thức, cũng như việc tự giác trang bị các thiết bị về PCCC ở một số gia đình vẫn còn hạn chế. Trong đó, nhiều hộ không bố trí phương tiện chữa cháy tại gia đình (bình chữa cháy cầm tay), không bảo đảm khoảng cách an toàn để phòng cháy, chỉ quan tâm đến sự tiện dụng mà quên đi quy tắc an toàn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt”, Thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn phân tích.
Để tránh “Nước xa không cứu được lửa gần”, nhất là tại các khu vực dân cư trong các hẻm nhỏ, thời gian qua, Công an toàn tỉnh cùng chính quyền các địa phương đã nhân rộng các mô hình PCCC ở khu dân cư. Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, các địa phương đã xây dựng bổ sung 05 Tổ liên gia và 08 điểm chữa cháy; hiện toàn tỉnh có 380 tổ liên gia và 195 điểm chữa cháy công cộng.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động trang bị bình chữa cháy và tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC và CNCH tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Hiện đã có 523.560 lượt cá nhân được tập huấn kiến thức về PCCC; 360.605/427.765 hộ gia đình (chiếm 84%) tự trang bị bình chữa cháy; 100% nhà ở từ 2 tầng trở lên có lối thoát nạn thứ 2. Lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH cũng tổ chức hàng chục hoạt động trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH tập trung tại đơn vị, trường học, các địa điểm công cộng trên địa bàn tỉnh, nhận được sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân.
“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý đối với những sai phạm về PCCC. Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức kiểm tra định kỳ hơn 600 lượt cơ sở, đột xuất 13 lượt cơ sở. Qua đó, lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH đối với 19 trường hợp, phạt tiền hơn 370 triệu đồng; tạm đình chỉ hoạt động 04 cơ sở, đình chỉ hoạt động 06 cơ sở; kiến nghị 151 vấn đề còn tồn tại”, Thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn thông tin thêm.
Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn PCCC, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của người dân. Mỗi người dân phải bỏ thói quen dự trữ chất dễ cháy trong nhà. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy gần nơi đun nấu. Lắp đặt thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh, từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn; bố trí nơi thờ cúng hợp lý. Khi xảy ra cháy phải tìm mọi cách báo nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số 114 hoặc Công an xã, phường gần nhất.