Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ tư - 01/06/2022 16:447790
Thời gian gần đây, khi neo đậu tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh Bình Định, nhiều tàu thuyền đã bị cháy trong đêm, có những trường hợp cháy lan sang các tàu khác gây thiệt hại nặng. Việc triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cảng cá gặp nhiều khó khăn.
Đêm 10/4/2022, trong lúc neo đậu tại cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), tàu cá BĐ 97450 của bà Trương Thị L (trú phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) bất ngờ bốc cháy. Sau hơn 2 giờ, ngọn lửa mới được dập tắt, ước tính thiệt hại hơn 1 tỉ đồng. Trước đó, vào giữa tháng 1/2022, khi neo đậu tại một khu vực thuộc cảng cá Tam Quan, 3 tàu cá của ngư dân cũng bị cháy trong đêm gây thiệt hai nặng. Ông Nguyễn Văn Hiếu, trú tại thị xã Hoài Nhơn, chủ tàu cá BĐ 97641, (1 trong 3 tàu cá bị cháy) cho biết, hiện nay tàu cá về tập trung neo đậu tại khu vực cảng cá Tam Quan khá nhiều, không đảm bảo khoảng cách, khi một tàu bị cháy sẽ dễ cháy lan sang các tàu khác. Ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá và Dịch vụ đô thị thị xã Hoài Nhơn cho biết, tổng diện tích tại khu neo đậu tàu thuyền thuộc cảng cá Tam Quan được quy hoạch khoảng 110 ha mặt nước, nhưng chỉ sử dụng được khoảng 50 ha. Với lượng tàu cá về đây neo đậu từ 1.600-1.800 tàu/tháng thì diện tích này chưa đảm bảo, các tàu phải neo đậu sát nhau. Do vậy, cơ quan chức năng và ngư dân gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Tại cảng cá Quy Nhơn (thành phố Quy Nhơn), từ đầu năm 2022 đến trung tuần tháng 4/2022 chưa xảy ra vụ cháy tàu cá nào khi đang neo đậu. Tuy nhiên, trước đó vào tháng 10/2021, một tàu cá khi đang neo đậu tại cảng cá này đã bất ngờ bốc cháy dữ dội và cháy lan sang 4 tàu khác. Trong 5 tàu cá bị cháy có 4 tàu gần như bị thiêu rụi hoàn toàn, 1 tàu bị thiệt hại trên 30%. Để bảo đảm an toàn PCCC cho các loại tàu, thuyền đánh cá tại các khu vực neo đậu cũng như trong quá trình hoạt động khai thác hải sản trên biển, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh Bình Định khuyến cáo các chủ tàu, thuyền đánh cá thực hiện tốt các biện pháp an toàn PCCC như sau: 1. Thường xuyên kiểm tra và kịp thời thay thế các đường dây điện và hệ thống, thiết bị điện bị rò rỉ điện hoặc hư hỏng phòng ngừa nguy cơ chạm chập, quá tải. Thực hiện nghiêm quy định về an toàn sử dụng điện trên tàu cá như: Không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện trên cùng một ổ cắm; Không sạc điện thoại, sạc dự phòng, các thiết bị tiêu thụ điện… trên hoặc gần các vật liệu, hàng hóa dễ cháy, trong quá trình sạc điện phải có sự kiểm soát của con người; Kiểm tra và lắp đặt bổ sung các thiết bị bảo vệ (Aptomat) cho hệ thống điện, đặc biệt là các thiết bị điện có công suất lớn; Tắt các thiết bị điện khi không cần thiết. 2. Việc tích trữ nhiên liệu phục vụ đánh bắt trên tàu cần sử dụng các can, phuy chứa làm bằng vật liệu không cháy và tính toán phù hợp với nhu cầu sử dụng; phải cố định, bảo quản các can, phuy chứa nhiên liệu ở nơi thông thoáng, tách biệt với các khu vực khác trên tàu, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt và khu vực có nhiều vật dụng, hàng hóa dễ cháy…; Niêm yết các biển cảnh báo khu vực nguy hiểm về cháy nổ, biển cấm sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, biển cấm hút thuốc,…tại khu vực này. Không tàng trữ, sử dụng các chất khí, chất lỏng dễ bắt cháy,nổ trên tàu. 3. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn lửa, các thiết bị sinh nhiệt đặc biệt việc sử dụng bếp gas để đun nấu, thắp hương thờ cúng…trên tàu: Khi đun nấu, thắp hương thờ cúng… phải có người trông coi; Nên chọn bình, bếp gas có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có các bộ phận an toàn như: rơle an toàn khi tắt lửa, rơle an toàn khi quá nhiệt…; Lắp đặt bình gas ở nơi thông thoáng, tránh để trong hầm tàu, chỗ khuất, kín gió, nơi ẩm ướt; Bình gas phải đặt ở trạng thái thẳng đứng khi sử dụng và đặt cách xa nguồn nhiệt và nơi có thể phát sinh tia lửa (ổ cắm, công tắc, thiết bị điện…) tối thiểu 1,5m. - Ống dẫn gas nối giữa bình và bếp phải đảm bảo độ kín, nên chọn các loại ống mà bên trong có lớp lõi thép bảo vệ; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng bếp gas, bình gas, van gas, ống dẫn gas, kiểm tra độ kín dây dẫn, khớp nối bằng nước xà phòng. Khi đun nấu xong phải nhớ khóa van bình gas. - Nếu phát hiện có rò rỉ khí gas phải đóng ngay van bình gas, tiến hành thông gió để phát tán làm giảm nồng độ hơi khí gas bằng việc mở các cửa, dùng tay để quạt…; Tìm chỗ rò rỉ bằng cách dùng nước xà phòng (nghiêm cấm dùng ngọn lửa để soi tìm), tiến hành bịt chặt chỗ rò rỉ bằng cách trát xà phòng, sau đó quấn băng keo, hoặc dùng dây cao su buộc chặt lại. Trong trường hợp không khắc phục được rò rỉ cần mang ngay bình ra nơi trống, thoáng gió. - Tuyệt đối không bật hoặc tắt công tắc, thiết bị điện để tránh phát sinh tia lửa, sử dụng quạt điện để thông gió làm giảm nồng độ hơi gas, sử dụng điện thoại ở khu vực gas rò rỉ. 4.Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các trang thiết bị, phương tiện PCCC tại chỗ được trang bị trên tàu nhằm đảm bảo phục vụ tốt cho công tác chữa cháy khi có tình huống cháy, nổ xảy ra. Sắp xếp các vật dụng, phương tiện phục vụ sinh hoạt, đánh bắt gọn gàng và không để vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt. Thường xuyên luyện tập thực hiện quy trình xử lý, thao tác sử dụng trang thiết bị, phương tiện PCCC tại chỗ cho người làm việc trên tàu; chủ động xây dựng phương án chữa cháy phù hợp theo phương châm 4 tại chỗ “Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ” đảm bảo xử lý nhanh khi có các tình huống cháy nổ, tai nạn sự cố xảy ra. 5. Khi neo đậu tại cảng phải theo hướng dẫn neo đậu của Ban quản lý tại cảng và chấp hành nghiêm các quy định, nội quy và khoảng cách nhằm đảm bảo an toàn về PCCC trong quá trình neo đậu, thuận lợi cho việc di dời và phục vụ công tác chữa cháy khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Trước khi rời khỏi tàu, phải kiểm tra lại hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện, khóa van bình gas nhằm hạn chế các nguy cơ xảy ra cháy, nổ. 6. Khi phát hiện có cháy, nổ phải tìm cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết và cùng nhau thoát nạn; nhanh chóng ngắt hệ thống điện tại khu vực xảy ra cháy, sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy, chăn chữa cháy,…để khống chế, dập tắt đám cháy, đồng thời báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH qua số điện thoại 114 hoặc Công an xã, phường gần nhất để kịp thời chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. (Tham khảo HD của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)