Chủ động, nêu gương, kỷ cương

Tìm hiểu về cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự của hệ thống chính trị ở nước ta

Thứ tư - 22/09/2021 16:05 7.663 0
Thuật ngữ “hệ thống chính trị” được chính thức sử dụng ở Việt Nam từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI (tháng 3/1989). Theo nghĩa chung nhất, “Hệ thống chính trị là tổng thể các cơ quan, tổ chức nhà nước, đảng phái, đoàn thể xã hội, nói chung là các lực lượng tham gia và mối quan hệ giữa các lực lượng đó, chi phối sự tồn tại và phát triển đời sống chính trị của một quốc gia, thể hiện bản chất của chế độ chính trị của quốc gia, con đường phát triển của xã hội”.  Hệ thống chính trị ở nước ta là một chỉnh thể thống nhất, gắn bó hữu cơ bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân của hệ thống chính trị, đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Tìm hiểu về cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ                    bảo đảm an ninh trật tự của hệ thống chính trị ở nước ta
Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam gồm nhiều cơ quan nhà nước khác nhau với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng biệt về lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, bộ máy Nhà nước ta hiện nay được chia thành 07 hệ thống cơ quan, gồm: Hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước; cơ quan Chủ tịch nước; hệ thống cơ quan hành chính nhà nước; hệ thống cơ quan xét xử; hệ thống cơ quan kiểm sát; Hội đồng bầu cử Quốc gia và Kiểm toán Nhà nước. Các tổ chức chính trị - xã hội bao gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
     Thực tiễn cách mạng của dân tộc ta qua các thời kỳ lịch sử đã chứng minh rằng, hệ thống chính trị ở nước ta có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung và nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) nói riêng.
     Qua nghiên cứu, bước đầu xác định được cơ sở chính trị và pháp luật thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT của hệ thống chính trị ở nước ta như sau:
     Về cơ sở chính trị, cơ sở chính trị thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT của hệ thống chính trị là quan điểm của Đảng về sự tham gia của hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ bảo đảm ANTT. Vấn đề này được thể hiện trong các văn kiện Đại hội của Đảng cộng sản Việt Nam, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội qua các thời kỳ. Điển hình như, tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (Nghị quyết số 28-NQ/TW) khẳng định: Giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 5/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia (Nghị quyết số 51-NQ/TW) xác định một trong những quan điểm chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh quốc gia là phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Quan điểm này của Đảng ta được thể hiện rõ hơn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Theo đó, nhiệm vụ đảm bảo ANTT phải được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng và quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.
     Bên cạnh đó, Đảng ta cũng xác định: Công cuộc bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội cần được tiến hành bằng sức của mọi lực lượng, bằng mọi phương tiện cần thiết, trong từng địa bàn, ở tất cả các đơn vị. Nghị quyết số 28-NQ/TW xác định vấn đề củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để bảo vệ Tổ quốc. Đến Nghị quyết số 51-NQ/TW quán triệt vấn đề phát huy sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng là phương châm chỉ đạo trong bảo vệ an ninh quốc gia. Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm ANTT trong tình hình mới đã xác định yêu cầu: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết thống nhất, giữ gìn triệt để nguyên tắc, kỷ cương của Đảng, Nhà nước; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa nhiệm vụ xây dựng Đảng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”.  Như vậy, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành tố trong hệ thống chính trị, trong đó gồm sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng đối với sự nghiệp bảo đảm ANTT, vai trò quản lý, điều hành hiệu quả của Nhà nước với sự nghiệp bảo đảm ANTT và sự tham gia chủ động, tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội vào sự nghiệp đảm bảo an ninh trật tự.
     Về cơ sở pháp lý, cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT của hệ thống chính trị gồm những quy định pháp luật về trách nhiệm, quyền hạn của các thành tố trong hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ bảo đảm ANTT.  Cụ thể là:
     Thứ nhất, quy định của pháp luật về thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT của Đảng cộng sản Việt Nam. Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Đảng cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và về xã hội về mọi mặt, trong đó, có vấn đề thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT.
     Thứ hai, quy định của pháp luật về thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT của hệ thống các cơ quan nhà nước. Khoản 1, Điều 8, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”.  Theo đó, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT theo quy định của Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam.
     Điều 69, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.  Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Theo quy định này, Quốc hội là cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT, quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến chủ trương, chính sách bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và thực hiện giám sát tối cao đối với các cơ quan nhà nước khi các cơ quan nhà nước thực hiện vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm ANTT.
     Khoản 1, Điều 13, Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội: “a) Quyết định biện pháp bảo đảm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật; b) Quyết định chủ trương, phương hướng nhằm phát huy tiềm năng của địa phương để xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng tiềm lực bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; c) Quyết định chủ trương, phương hướng xây dựng các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở; quyết định chủ trương, biện pháp kết hợp chặt chẽ giữa củng cố, tăng cường an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường an ninh; kết hợp an ninh quốc phòng, đối ngoại của địa phương. Đây là căn cứ pháp lý để Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong bảo đảm ANTT trong phạm vi địa phương phụ trách.
     Khoản 5, Điều 86, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: Chủ tịch nước “thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh”. Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó, có lực lượng Công an Nhân dân để thực hiện bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
     Điều 94, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”. Theo đó, Chính phủ là cơ quan nhà nước chấp hành Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều hành các bộ và cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, Chính phủ điều hành Bộ Công an là cơ quan nhà nước được giao chức năng, nhiệm vụ trực tiếp thi hành, áp dụng quy định của pháp luật để quản lý nhà nước về ANTT, tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật trên lĩnh vực bảo đảm ANTT trong phạm vi toàn quốc. Điều này được quy định tại khoản 2, Điều 12, Luật Công an nhân dân năm 2018: “Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng Công an nhân dân”.
Khoản 2, điều 13, Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban nhân dân các cấp đối với hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội: “a) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp và các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội do cấp có thẩm quyền giao; thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở địa phương; b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng tiềm lực bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh ở địa phương;  c) Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp dự toán ngân sách bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp về ngân sách bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của địa phương; d) Chỉ đạo các cơ quan phối hợp với Công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, tham gia xây dựng Công an nhân dân, bảo đảm chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân và các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở; chủ trì hoặc phối hợp xây dựng, quản lý, bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia trên địa bàn… Đây là căn cứ pháp lý để ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT theo nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.
     Khoản 1, Điều 102, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Theo đó, Tòa án nhân dân các cấp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT thông qua quyền xét xử vụ án hình sự có đối tượng hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
     Khoản 1, Điều 107, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Cơ quan kiểm sát nhà nước các cấp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT thông qua quyền công tố là quyền buộc tội nhân danh Nhà nước đối với những người có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội và thực hiện quyền kiểm sát hoạt động tư pháp là kiểm tra, giám sát, xem xét, theo dõi việc tuân theo pháp luật đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự nhằm bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Thứ ba, quy định về thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT của các tổ chức chính trị - xã hội. Điều 64, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh”. Trong đó, thực hiện nhiệm vụ an ninh bao gồm nhiệm vụ bảo đảm ANTT. Khoản 1, Điều 14, Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ Công an Nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật”.
    Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời góp phần thúc đẩy, tăng cường hiệu  quả hoạt động của toàn hệ thống chính trị trong bảo đảm ANTT, lực lượng Công an cần chú trọng nghiên cứu, tìm hiểu, nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định của Hiến pháp, pháp luật về vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT để tuyên truyền, phổ biến đến các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân. Thực hiện hiệu quả vấn đề này sẽ góp phần tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để các thành tổ trong hệ thống chính trị thực hiện đấy đủ trách nhiệm, quyền hạn đối với nhiệm vụ bảo đảm ANTT./.

Tác giả bài viết: Trần Minh Phục

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây