XD phong cách Bản lĩnh, nhân văn

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.

Thứ ba - 01/11/2022 10:39 842 0
Qua 03 năm triển khai thực hiện, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm lãnh đạo và đạt được những kết quả đáng khích lệ, khơi dậy sức mạnh to lớn của Nhân dân trên địa bàn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phục vụ có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, hội - đoàn thể trong tỉnh đã chủ động xây dựng, ban hành các văn bản, Chỉ thị, Kế hoạch để triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau; tổ chức quán triệt sâu rộng cho toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị. Hàng năm, tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, đề ra biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân đối với phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần tích cực vào công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

Phát huy vai trò tham mưu, nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, củng cố và xây dựng mới các mô hình tự quản về an ninh trật tự, mô hình phòng, chống tội phạm hoạt động có hiệu quả; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Ngoài việc xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW trong lực lượng Công an, Công an các địa phương còn xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch, chuyên đề để cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ được phân công; tham mưu cấp ủy, chính quyền phối hợp với Mặt trận Tổ quốc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự và củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã quán triệt, tổ chức triển khai, thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động có hiệu quả, thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm, Công an tỉnh tham mưu Ban Chỉ đạo 138 tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 lan rộng trên địa bàn tỉnh; tập trung vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, động viên Nhân dân ủng hộ các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, đề cao trách nhiệm và vai trò nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các tổ chức chính trị, các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú (tăng thời lượng tuyên truyền, đưa tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, mô hình hiệu quả, những kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng chống dịch...). Ngoài ra, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, hội - đoàn thể trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã làm tốt công tác tuyên truyền theo lĩnh vực, chuyên môn phụ trách.


Có thể nói rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cấp, các ngành trong tỉnh đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng cả về phương pháp và đối tượng, thích ứng linh hoạt ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

         
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 851 đơn vị thực hiện mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tiêu biểu như: Mô hình “Bóng điện ngoài hè, số điện thoại liền kề” tại thôn Tráng Long, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn; “Khu dân cư không tội phạm và tệ nạn xã hội” tại xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn; “Trường học an toàn, chấp hành Luật Giao thông” tại Trường THCS Tây Sơn, thành phố Quy Nhơn; mô hình “3 an toàn” tại Ban Quản lý Dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh; “Đội công nhân tự quản về an ninh trật tự và phòng, chống dịch Covid-19” tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Việt Mỹ Bình Định... Đặc biệt, mô hình “Camera an ninh”, được xây dựng mới lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh vào giữa năm 2016 tại xã Hoài Châu, thị xã Hoài Nhơn đang được nhiều địa phương trong tỉnh học tập, nhân rộng vì đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng ngừa, truy xét, truy bắt, xử lý đối tượng gây án, kịp thời giải tán các nhóm thanh thiếu niên tụ tập có nguy cơ vi phạm pháp luật, chấn chỉnh tình trạng họp chợ tự phát làm mất an toàn giao thông... giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và góp phần đảm bảo an ninh, trật tự ở khu dân cư; tại các tuyến đường được gắn camera an ninh, tình trạng người dân vi phạm giao thông, vứt rác bừa bãi hay tụ tập đông người không còn thường xuyên xảy ra. Hiện nay, Bộ Công an đã đưa mô hình tự quản về an ninh, trật tự có sử dụng camera vào nội dung bắt buộc đối với các xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.


Những mô hình, điển hình tiên tiến nêu trên và những tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, năng động, có hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội là nhân tố tích cực thúc đẩy việc phát triển và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; là biểu hiện sinh động về sự phát triển mạnh mẽ của phong trào này trên địa bàn tỉnh.

         
Từ năm 2019 đến nay, đã có 222 tập thể, 131 cá nhân được Bộ Công an, Ủy ban Nhân dân tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng vì có thành tích đột xuất, xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

         
Công an các huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân cùng cấp chỉ đạo ngành chức năng triển khai thực hiện Thông tư số 23/TT-BCA ngày 27/4/2012 của Bộ Công an và Chỉ thị số 04/CT-UB ngày 28/01/2013 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về “Xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học đạt tiêu chuẩn về an ninh trật tự”; lấy kết quả phân loại phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một trong những tiêu chí để bình xét, phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cuối năm, cũng như đánh giá việc thực hiện Tiêu chí 19 trong bộ Tiêu chí Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trong toàn tỉnh đã có 100% đơn vị xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đăng ký thực hiện; kết quả phân loại hằng năm có từ 95% tổ chức, đơn vị trở lên đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.

         
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của Luật Thi hành án hình sự, đồng thời xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác theo dõi, quản lý, cảm hóa, giáo dục người thi hành án hình sự ở cộng đồng trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, trong thời gian qua, các cấp ủy đã luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý người chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp xong án phạt tù là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội và toàn thể Nhân dân, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt.

         
Các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng, Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ quy định việc phối hợp của lực lượng dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo. Qua đó, đã thường xuyên phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng; tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời trao đổi thông tin, tình hình an ninh trên các lĩnh vực, địa bàn của tỉnh, thống nhất nhận định, đánh giá tình hình và tham mưu xử lý tốt các vụ việc phức tạp xảy ra, không để phát sinh thành “điểm nóng”, không để kẻ địch lợi dụng, kích động gây rối an ninh, trật tự. Triển khai đồng bộ lực lượng, biện pháp công tác, thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

         
Với chức năng là cơ quan thường trực, Công an các huyện, thị xã, thành phố đã làm tốt công tác tham mưu triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, kịp thời tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 149-KH/ĐUCA ngày 14/5/2019 của Đảng ủy Công an tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 53-CT/TU ngày 28/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIX) về thực hiện Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” trong lực lượng Công an nhân dân.

         
Tham mưu, đề xuất biện pháp, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào, triển khai các giải pháp phòng ngừa xã hội; hằng năm tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các ngành, đoàn thể, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch liên tịch đã ký kết, tập trung củng cố, kiện toàn lực lượng xây dựng phong trào; chỉ đạo công an các xã, phường, thị trấn làm nòng cốt cho việc tham mưu cũng như trực tiếp hướng dẫn, đôn đốc triển khai xây dựng phong trào ở cơ sở.

         
Lực lượng Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và các tổ chức quần chúng làm công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở được xác định là lực lượng nòng cốt quan trọng trong phong trào và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Lực lượng Công an tham mưu Ủy ban Nhân dân cùng cấp chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này. Đến nay, lực lượng Công an xã bán chuyên trách trong toàn tỉnh có 811 đồng chí; có 41 ban bảo vệ dân phố được thành lập ở 32 phường, 09/11 thị trấn với 1.657 đồng chí. Hàng năm, các địa phương đều tổ chức các “Hội nghị lắng nghe ý kiến Nhân dân”, qua đó, tiếp thu ý kiến đóng góp của Nhân dân để bổ sung, hoàn thiện đội ngũ cán bộ công an xã; chú trọng tập huấn nghiệp vụ, quán triệt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

         
Cùng với việc xây dựng, duy trì, củng cố lực lượng Công an xã, Công an các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Công an cơ sở tham mưu chính quyền thường xuyên củng cố, kiện toàn các tổ chức quần chúng làm công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở, nhất là tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải; củng cố, duy trì các mô hình tự quản về an ninh, trật tự, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng phong trào ở các địa phương.

         
Qua 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 53-CT/TU, công tác vận động quần chúng, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, hội - đoàn thể trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát; đã hình thành hệ thống lãnh đạo, chỉ đạo chuyên sâu về công tác này từ tỉnh đến cơ sở. Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên không chỉ của lực lượng Công an mà của cả hệ thống chính trị; chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng cao. Vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với việc xây dựng, tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có sự chuyển biến rõ nét, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới.

         
Lực lượng Công an trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.

         
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được đẩy mạnh, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, trở thành phong trào rộng lớn trong toàn tỉnh, gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động, các phong trào cách mạng khác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, thiết thực, hiệu quả được nhân rộng. Tình đoàn kết xóm làng, phố phường, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết quân dân được củng cố và phát triển, hình thành thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Tác giả bài viết: Thiên Trúc - BTC Tỉnh ủy

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

BÀI ĐĂNG TRONG TUẦN ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây