Chủ động, nêu gương, kỷ cương

Những điểm mới cần lưu ý khi áp dụng tiêu chuẩn TCVN 7336:2021 phòng cháy chữa cháy – hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, bọt – yêu cầu thiết kế và lắp đặt

Thứ ba - 05/04/2022 10:53 1.410 0
Ngày 29/10/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định số 2702/QĐ-BKHCN ban hành Tiêu chuẩn TCVN 7336:2021 Phòng cháy chữa cháy – Hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, bọt – Yêu cầu thiết kế và lắp đặt. TCVN 7336:2021 là tiêu chuẩn được bổ sung, chỉnh sửa từ TCVN 7336:2003 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Dưới đây là một số quy định mới cần lưu ý khi áp dụng TCVN 7336:2021.
Những điểm mới cần lưu ý khi áp dụng tiêu chuẩn TCVN 7336:2021 phòng cháy chữa cháy – hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, bọt – yêu cầu thiết kế và lắp đặt
  1. Về phạm vi, đối tượng áp dụng

So với TCVN 7336:2003, phạm vi áp dụng của TCVN 7336:2021 đã làm rõ, phân biệt giữa hệ thống sử dụng đầu phun kín (Sprinkler) và hệ thống sử dụng đầu phun hở (Drencher), gọi chung là hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, bọt. Tiêu chuẩn TCVN 7336:2021 cũng bổ sung các trường hợp không áp dụng để thiết kế hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, bọt như: các đám cháy kim loại, cũng như các chất cháy là các chất hoạt động hóa học mạnh, các chất phản ứng với chất chữa cháy (nước, bọt, phụ gia chữa cháy), các chất phản ứng với chất chữa cháy gây tỏa nhiệt, gây cháy hoặc sinh ra các chất khí cháy…

  1. Các quy định chung

Các loại hệ thống được nêu trong tiêu chuẩn cơ bản gồm 02 nhóm chính: các hệ thống chữa cháy tự động Spinkler, Drencher bằng nước, bọt (đối với bọt bội số nở thấp, trung bình) được quy định tại mục 5 và hệ thống chữa cháy tự động bằng bọt bội số nở cao được quy định tại mục 6.

Trong phần quy định chung đề cập đến nhiều nội dung quy định mới như việc thực hiện chức năng báo cháy của hệ thống; căn cứ lựa chọn loại hệ thống, phương pháp chữa cháy, loại chất chữa cháy; quy định về trường hợp sử dụng hệ thống chữa cháy tự động để thay thế báo cháy tự động; yêu cầu về liên động với thiết bị trong khu vực bảo vệ trước khi phun chất chữa cháy.

  1. Các hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler, Drencher bằng nước, bọt

3.1. Các yêu cầu chung

– Hệ thống Spinkler, Drencher bằng nước, bọt được phân loại thành hệ thống Sprinkler, hệ thống Drencher và hệ thống Sprinkler-Drencher. Các thông số chính của hệ thống được lấy theo các Bảng 1, 2, 3, trong đó cần lưu ý:

+ Để xác định lưu lượng cần thiết của hệ thống, cần dựa trên tính toán theo Phụ lục B với yêu cầu về cường độ phun tối thiểu và diện tích phun tối thiểu, lưu lượng bảo đảm yêu cầu phải là giá trị lớn hơn của lưu lượng tối thiểu và lưu lượng theo tính toán.

+ Các giá trị trong bảng có ký hiệu “-” được hiểu là không áp dụng phương pháp chữa cháy đối với mức nguy hiểm cháy tương ứng.

+ Trường hợp khu vực bảo vệ có diện tích nhỏ hơn diện tích tính toán tối thiểu thì được phép giảm lưu lượng thực tế theo hệ số K trong chú thích 5 Bảng 1 và chú thích 4 Bảng 3. Khi đó lưu lượng thực tế có thể nhỏ hơn lưu lượng tối thiểu.

+ Các yêu cầu về lưu lượng tối thiểu, diện tích tính toán tối thiểu chỉ áp dụng đối với hệ thống Sprinkler và hệ thống Sprinkler-Drencher, không áp dụng với hệ thống Drencher. Chất tạo bọt được sử dụng là loại có bội số nở thấp và trung bình, đối với chất tạo bọt bội số nở cao được quy định riêng tại Mục 6.

– Việc chữa cháy cho các thiết bị điện được quy định tại Điều 5.1.6, trong đó, được phép sử dụng hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, bọt cho các phòng có thiết bị điện không được cách điện khi có phương án liên động, bảo đảm ngắt điện trước khi hệ thống hoạt động và phun nước, bọt vào đám cháy.

– Yêu cầu về cơ cấu khởi động của hệ thống được quy định tại Điều 5.1.7, trong đó yêu cầu hệ thống Drencher và hệ thống Sprinkler-Drencher phải có đồng thời cơ cấu kích hoạt bằng tay từ xa và cục bộ. Cơ cấu bằng tay có thể là cơ cấu cơ học (van) hoặc nút ấn.

– Được phép lắp đặt van khóa phía trước công tắc dòng chảy theo Điều 5.1.14, các van khóa này phải có tín hiệu giám sát trạng thí theo quy định tại 5.1.15 và 5.6.8.

3.2. Hệ thống Sprinkler

– Chiều cao tối đa của gian phòng được bảo vệ bởi hệ thống Sprinkler không quá 20 m theo quy định tại Điều 5.2.2.

– Thời gian đáp ứng của hệ thống đối với hệ thống Sprinkler đường ống khô (có khí nén) không được quá 180 s theo quy định tại Điều 5.2.4, được tính là thời gian kể từ khi vỡ đầu phun đến khi nước chữa cháy được phun ra từ đầu phun (thời gian để khí nén trong đường ống được xả hết qua đầu phun bị tác động).

– Cao độ lắp đặt của đầu phun ngang được quy định tại Điều 5.2.13.

– Các khu vực có nguy cơ cháy cao hoặc có chiều cao lắp đặt đầu phun lớn phải sử dụng đầu phun phản ứng nhanh theo quy định tại Điều 5.2.19.

3.3. Hệ thống Drencher

– Bố trí màn nước ngăn cháy phụ thuộc vào chiều dài của lỗ mở cần bảo vệ theo quy định tại Điều 5.3.2.4 và 5.3.2.5.

– Quy định về trường hợp sử dụng màn nước để tăng giới hạn chịu lửa của tường tại Điều 5.3.2.6 chỉ xác định yêu cầu lắp đặt, không quy định về giới hạn chịu lửa được tăng thêm (EI, REI) của bộ phận ngăn cháy. Trường hợp này chỉ được áp dụng khi được quy định trong quy chuẩn, tiêu chuẩn khác hoặc có thử nghiệm chứng minh hiệu quả tăng giới hạn chịu lửa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

3.4. Hệ thống Sprinkler-Drencher

– Phân loại, định nghĩa rõ 03 loại hệ thống Sprinkler-Drencher dựa trên nguyên lý và mục đích sử dụng gồm: Hệ thống Sprinkler-Drencher điền nước, hệ thống Sprinkler-Drencher điền khí (1) và hệ thống Sprinkler-Drencher điền khí (2);

– Thời gian đáp ứng của hệ thống Sprinkler-Drencher điền khí được quy định tại Điều 5.2.4, được tính là thời gian kể từ khi vỡ đầu phun và mở bộ điều khiển đến khi nước chữa cháy được phun ra từ đầu phun (tức là thời gian để khí nén trong đường ống được xả hết qua đầu phun bị tác động).

3.5. Quy định về đường ống

– Được phép sử dụng đường ống phi kim loại theo quy định tại Điều 5.5.1, các đường ống phi kim phải đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn riêng cho từng loại ống và phải được kiểm định theo quy định.

– Số lượng đầu phun trên một nhánh đường ống phân phối được quy định tại Điều 5.5.5, theo đó không giới hạn số đầu phun trên nhánh cụt mà chỉ yêu cầu các đầu phun phảo bảo đảm lưu lượng và cường độ theo quy định.

– Bố trí van xả khí, van và đồng hồ áp suất theo quy định tại Điều 5.5.8, trong đó đầu phun chủ đạo là đầu phun được xác định để tính toán hệ thống theo phụ lục B, thường ở vị trí cao, xa nhất so với trạm bơm nước. Khi kiểm tra có thể đo áp lực tại đầu phun chủ đạo thông qua đồng hồ đo áp suất.

– Màu sắc nhận dạng, chỉ thị loại đường ống và chỉ hướng của chất chữa cháy trong đường ống thự hiện theo quy định tại Điều 5.5.15, 5.5.16, 5.5.17.

3.6. Quy định về bộ điều khiển

– Bộ điều khiển được định nghĩa tại Điều 3.32 là một tổ hợp các thiết bị kỹ thuật được đặt tại vị trí xác định và thực hiện các chức năng nhất định trong hệ thống, các dạng thông thường của bộ điều khiển là van báo động (alarm valve), van tràn ngập (deluge valve), van tác động trước (pre-action valve);

– Chức năng và các yêu cầu thiết bị của bộ điều khiển quy định tại Điều 5.6.4, 5.6.6, 5.6.7, 5.6.8,

– Vị trí lắp đặt của bộ điều khiển được quy định tại Điều 5.6.2, 5.6.3, 5.6.9 đến 5.6.11.

3.7. Quy định về cấp nước và dung dịch chất tạo bọt

– Các nguồn cấp nước được phân loại thành thiết bị nước chính, thiết bị cấp nước tự động và thiết bị cấp nước phụ trợ. Trong đó, nguồn cấp nước phụ trợ ngoài chức năng duy trì áp suất như nguồn cấp nước tự động còn có thể cung cấp lưu lượng và áp lực cần thiết cho đến khi nguồn cấp nước chính ở chế độ làm việc. Các dạng thiết bị cấp nước và yêu cầu lắp đặt quy định tại Điều 5.7.3 đến Điều 5.7.10;

– Các thiết bị của hệ thống chữa cháy tự động bằng bọt, các loại thiết bị định lượng được quy định tại Điều 5.7.21, 5.7.22 và 5.7.23.

3.8. Quy định về trạm bơm- Đối với trạm bơm của công trình thuộc đối tượng của QCVN 02:2020/BCA về Trạm bơm nước chữa cháy mà được sử dụng để cấp nước cho hệ thống chữa cháy tự động bằng nước hoặc bọt thì áp dụng đồng thời quy định của QCVN 02:2020/BCA và TCVN 7336:2021, trong đó các nội dung cùng được quy định thì áp dụng theo quy định của QCVN 02:2020/BCA;

– Việc bố trí họng tiếp vào trạm bơm thực hiện theo quy định tại Điều 5.8.11, trong đó đường ống tiếp phải đầu nối vào hệ thống ở vị trí bên trong trạm bơm, do đó trên mặt bằng, các họng tiếp nước phải bố trí ở gần vị trí bố trí trạm bơm;

– Bố trí bồn nhiên liệu cho bơm động cơ đốt trong thực hiện theo quy định tại Điều 5.8.18, trong đó khối tích xăng – 250 l và dầu diesel 500 l là khối tích lớn nhất cho phép bố trí trong trạm bơm;

– Các yêu cầu về tín hiệu điều khiển, giám sát trạm bơm quy định tại Điều 5.8.27, 5.8.28, 5.8.30.

  1. Hệ thống chữa cháy tự động bằng bọt bội số nở cao

– Hệ thống thường được sử dụng để chữa cháy cho các đám cháy chất lỏng, cháy ngầm, âm ỉ chất rắn, ví dụ: hangar (nhà sửa chữa, bảo dưỡng máy bay); hố thu sự cố chất lỏng, khí hóa lỏng dễ cháy,…

– Hệ thống được phân loại thành hệ thống chữa cháy thể tích và hệ thống chữa cháy cục bộ, trong đó ngoài các yêu cầu chung, hệ thống chữa cháy thể tích thực hiện theo quy định tại Điều 6.3.1.2, hệ thống chữa cháy cục bộ thực hiện theo quy định tại Điều 6.3.1.5, 6.3.1.6.

  1. Thiết bị điều khiển và thiết bị báo động

Các quy định về điều khiển và báo động được nêu tại Điều 7.1 và 7.2, trong đó có yêu cầu về các cơ cấu điều khiển và giám sát đặt tại trạm bơm, phòng trực điều khiển chống cháy và các phòng được bảo vệ. Các nội dung này phải được thể hiện trong bản vẽ thiết kế và có thể bố trí độc lập hoặc tích hợp với hệ thống báo cháy tự động.

(Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)

Đội Công tác Phòng cháy-Phòng CS PCCC&CNCH


 

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1.8 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây