Logo CAND

CẢNH GIÁC TỘI PHẠM LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN QUA KHÔNG GIAN MẠNG

Thứ tư - 29/09/2021 21:42 2.165 0
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đặc biệt với hình thức lợi dụng mạng viễn thông, internet, mạng xã hội. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ LĐCĐTS, chủ yếu xảy ra trên địa bàn thành phố Quy Nhơn (8/14 vụ ~ 57,14%) trong đó có 4 vụ lừa đảo thông qua mạng internet, mạng xã hội. Qua công tác đấu tranh, nổi lên một số thủ đoạn hoạt động của tội phạm LĐCĐTS thông qua không gian mạng như sau:
Giả nhân viên ngân hàng để lừa đảo (ảnh do bị hại gửi kèm đơn tố giác tội phạm)
Giả nhân viên ngân hàng để lừa đảo (ảnh do bị hại gửi kèm đơn tố giác tội phạm)
1. Các đối tượng sử dụng facebook cá nhân giả mạo là người nước ngoài để làm quen với nạn nhân. Sau khi chiếm được lòng tin và khai thác thông tin cá nhân, đối tượng đề nghị tặng một khoản tiền hoặc quà cho nạn nhân. Sau đó, một đối tượng khác sẽ gọi điện mạo danh là nhân viên đơn vị vận chuyển để xác nhận gói quà, đề nghị nạn nhân chuyển tiền để làm thủ tục nhận quà/tiền, thanh toán các phí liên quan rồi chiếm đoạt.
Điển hình: Khoảng tháng 4/2020, tài khoản Facebook "Williams Chirs Richard" chưa rõ chủ tài khoản kết bạn làm quen với bà Đ.T.T. (SN: 1958; trú tại phường Lý Thường Kiệt , TP. Quy Nhơn). Đến tháng 7/2020, đối tượng trên nói với bà T có thừa kế 7.000.000 USD nhưng chưa rút được và hỏi mượn trước của bà T một khoản tiền. Khi nhận được tiền thừa kế sẽ trả lại và tặng bà T 620.000 USD. Bà T tin tưởng nên đồng ý, trong thời gian từ ngày 16/7/2020 đến ngày 08/01/2021, chuyển cho đối tượng trên 10 lần với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Đến tháng 01/2021, biết bị lừa nên bà T đã đến Công an phường Lý Thường Kiệt trình báo.

2. Các đối tượng chiếm đoạt tài khoản của những người dùng mạng xã hội, sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản.
Điển hình: Tháng 01/2021, CATP Quy Nhơn phát hiện 03 đối tượng, gồm: Lê Chí Nhật Tân (1998), Nguyễn Quang Đạt (1998) và Nguyễn Công Thiệu (1997) cùng trú tỉnh Quảng Trị đang thực hiện hành vi chiếm quyền sử dụng facebook để lừa đảo tại quán Internet “New” (số 18 Lê Hữu Trác, TP. Đà Nẵng). Qua đấu tranh, các đối tượng thừa nhận đã dùng thủ đoạn chiếm đoạt quyền sử dụng facebook để lừa đảo hơn 300 người ở nhiều tỉnh thành trong cả nước (trong đó có 04 nạn nhân ở Bình Định), chiếm đoạt gần 1,5 tỷ đồng. 

3. Các đối tượng sau khi thu thập thông tin cá nhân của nạn nhân, sử dụng công nghệ đổi đầu số điện thoại, giả mạo số cơ quan chức năng, tự nhận là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… để đe dọa xử lý, bắt giữ nạn nhân vì có liên quan đến tội phạm. Tinh vi hơn, đối tượng hướng dẫn nạn nhân tải app giả mạo Bộ Công an, trong đó có sẵn “Lệnh bắt khẩn cấp” với đủ thông tin của nạn nhân, yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật tài khoản ngân hàng hoặc thuyết phục nạn nhân chuyển khoản tới tài khoản do đối tượng cung cấp để xác minh, rồi chiếm đoạt.
Điển hình: Chiều 19/8/2021, một đối tượng lạ sử dụng số điện thoại 8082363734047 gọi cho anh Nguyễn T. (SN 1983 ở phường Đống Đa, Quy Nhơn) tự xưng là cán bộ Bộ Công an, thông báo anh T có liên quan đến một đường dây ma túy lớn. Đối tượng yêu cầu anh T cung cấp thông tin cá nhân, hướng dẫn anh T tải ứng dụng “Bộ Công an” vào điện thoại và yêu cầu nhập thông tin tài khoản ngân hàng để kiểm tra. Do tin tưởng, anh T nhập số tài khoản và mã OTP vào ứng dụng thì phát hiện trong tích tắc, tài khoản bị mất 460 triệu.
app gia bca
Giả app "Bộ Công an" để lừa đảo
4. Lợi dụng nhu cầu vay vốn của người dân, đối tượng giả mạo các app vay tiền của ngân hàng hoặc liên kết với một số Ngân hàng tại Việt Nam, như: VP Bank, MB Bank… làm hồ sơ xét duyệt vay tiền, yêu cầu bị hại vào ứng dụng rút tiền thì báo lỗi, rồi yêu cầu bị hại cung cấp thông tin cá nhân thẻ, mã OTP để kiểm tra. Sau đó, đối tượng gửi đến khách hàng một bản điều khoản cho vay (có dấu đỏ giả mạo ngân hàng), thông báo nạp số tiền % khoản vay nhất định để thay đổi số tài khoản, cam kết hoàn trả vào tài khoản cùng khoản vay. Sau khi bị hại chuyển tiền, chúng chiếm đoạt rồi cắt liên lạc.
z2803876893425 39b0eb0b0f76b94fdf9335e3ba08a79b
Giả giấy tờ một ngân hàng có uy tín để lừa đảo (bị hại cụng cấp)

5. Kêu gọi đầu tư, kinh doanh tiền ảo/cổ phiếu đa cấp pozi (lấy tiền người sau trả cho người trước, lợi nhuận hằng tháng lãi suất khoảng 30%). Các đối tượng lừa đảo có tổ chức, nổi lên gần đây là các sàn giao dịch Lion Team, Magic Option,… 

Bên cạnh đó, thời gian gần đây Bộ Công an có cảnh báo về hoạt động của các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (BO) trên không gian mạng cũng có dấu hiệu tổ chức kinh doanh đa cấp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người tham gia. Đây là hình thức đầu tư tài chính sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thu hút người tham gia bằng cách trả hoa hồng giới thiệu cao. Người đầu tư sẽ đưa ra dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm của các loại tài sản như hàng hóa, cổ phiếu, tiền tệ… tại thời điểm đoán. Nếu đoán đúng, nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận theo tỷ lệ sàn đưa ra, nếu sai nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ số tiền cho giao dịch đó. Ví dụ hoạt động của một số sàn Wefinex, Pocinex, AresBO, Bitono, Raidenbo, Deniex…

Để chủ động phòng ngừa các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, cần tăng cường tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội, nâng cao cảnh giác của nhân dân, hạn chế truy cập vào các trang web lạ, không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội. Không cho mượn các giấy tờ cá nhân, tuyệt đối không cung cấp mã OTP, không chuyển khoản cho người không quen biết. Đồng thời báo ngay cho cơ quan Công an khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tác giả bài viết: Khương My - Phòng Tham mưu

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây