Chủ động, nêu gương, kỷ cương

Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi thực hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Chủ nhật - 26/03/2023 15:22 1.281 0
Cùng với sự phát triển của xã hội, các mối liên kết trong gia đình lỏng lẻo, mặt trái của cơ chế thị trường, những cám dỗ của cuộc sống hiện đại... khiến tội phạm có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên có xu hướng tăng, nhất là tội phạm và vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi thực hiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho xã hội. Trước tình hình trên, các cấp, các ngành chức năng đang tăng cường nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này.
Trong Quý I năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 52 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi thực hiện, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2022, với 206 đối tượng (201 nam, 05 nữ). Trong đó chủ yếu là các tội trộm cắp tài sản (12 vụ ~ 23,1%), cố ý gây thương tích (10 vụ ~ 19,2%), gây rối trật tự công cộng (07 vụ ~13,5%), tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (04 vụ ~7,7%), hiếp dâm, dâm ô người dưới 16 tuổi, các hành vi xâm phạm trật tự an toàn giao thông…
1 640x480 5
Nhóm đối tượng gây ra vụ Cố ý gây thương tích ngày 14/01/2023 tại Tây Sơn, 04/13 đối tượng dưới 18 tuổi
Nổi bật: Vụ gây rối trật tự công cộng do 02 nhóm - 40 đối tượng tụ tập tại hẻm 124 Lạc Long Quân (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) sử dụng hung khí đánh nhau do Lưu Đức Huy (SN 2006, trú tổ 6 KP8 phường Trần Quang Diệu) và Nguyễn Tấn Nghĩa (SN 2005, trú tổ 75 KP8 phường Quang Trung) cầm đầu xảy ra ngày 01/02/2023; thu giữ 01 két vỏ chai bia, 08 cây đao, 04 cây ba chỉa tự chế.
         
Vụ 03 đối tượng Nguyễn Anh Tuấn (2007), Lê Văn Tây (SN 2006, cùng thôn Kiên Ngãi, xã Bình Thành, Tây Sơn), Ngô Lê Kinh Kha (SN 2007, thôn Phú Lạc, Bình Thành, Tây Sơn) hiếp dâm người dưới 16 tuổi (nạn nhân sinh năm 2007) xảy ra ngày 04/01/2023 tại thị trấn Phú Phong, Tây Sơn.

         
Qua điều tra, xử lý các vụ phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi thực hiện, có thể thấy những nguyên nhân sau: Ngoài lý do các em đang trong độ tuổi trưởng thành, ham chơi, đua đòi, thiếu hiểu biết và dễ bị kích động thì nguyên nhân đầu tiên là thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục, quản lý của gia đình. Nhiều trường hợp thiếu niên vi phạm pháp luật có hoàn cảnh gia đình éo le như bố mẹ ly hôn, phạm pháp hình sự, bị bạo lực gia đình khiến các em ít được quan tâm hoặc hoặc những đứa trẻ được nuông chiều, đáp ứng đầy đủ những điều kiện vật chất nhưng thiếu kiểm soát dẫn đến trẻ có lối sống thụ hưởng, ích kỷ, dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội, phạm tội. Mặt khác, văn hóa phẩm độc hại, nhất là ảnh hưởng từ lối sống, cách hành xử bạo lực đăng tải tràn lan, thiếu kiểm soát trên mạng cũng đã tác động trực tiếp đến một bộ phận trẻ chưa thành niên.
         
Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, nòng cốt là Công an tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021-2025; triển khai Kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi năm 2023. Công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị trong việc tuyên truyền giáo dục, vận động người chưa thành niên chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
2 640x289
Hội LHPN xã Nhơn Lộc (An Nhơn) cùng với Đoàn thanh niên xã tổ chức
chương trình “Học làm người có ích” cho học sinh THCS trên địa bàn
Các ban ngành, đoàn thể, địa phương đã tăng cường phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng, miền, dân cư, giúp các tầng lớp Nhân dân hiểu được tâm lý thanh, thiếu niên để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra. Ban giám hiệu các trường thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh nhằm giáo dục đạo đức kết hợp với giáo dục pháp luật và kỹ năng sống để học sinh phát triển toàn diện, không chỉ nhận thức được những kiến thức khoa học mà còn biết vận dụng, ứng xử trong đời sống xã hội. Đồng thời, phối hợp quản lý chặt số học sinh cá biệt, thường xuyên bỏ học, tụ tập cấu kết với một số đối tượng ngoài xã hội có các hành vi vi phạm pháp luật để có biện pháp quản lý, răn đe, giáo dục.
         
Công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các khu dân cư, trường học được chú trọng. Một số mô hình hiện đang phát huy hiệu quả như: Mô hình “Trường học không có tội phạm và tệ nạn xã hội” tại Trường THPT Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn; mô hình “Khu dân cư tự quản về AN-TT”, “Khu dân cư an toàn về AN-TT” tại nhiều địa phương... Lực lượng Công an phối hợp với Hội Liên phụ nữ các cấp trong thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không tội phạm, không tham gia các tệ nạn xã hội”; xây dựng các Câu lạc bộ “Gia đình không có con vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, mô hình “5 không, 3 sạch” tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Lực lượng Công an các cấp cũng đã phối hợp chính quyền địa phương lồng ghép và nhân rộng các mô hình về “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng”; “Phòng ngừa trẻ em bị bạo lực, bạo hành, xâm hại, mua bán”...
Tỉnh đoàn Bình Định duy trì 159 đội thanh niên tình nguyện Thắp sáng niềm tin, trực tiếp tiếp cận, động viên, thăm hỏi các đối tượng thanh thiếu niên được phân công giúp đỡ, thu hút họ vào các hoạt động lành mạnh, tái hòa nhập cộng đồng; thực hiện hiệu quả “Đoạn đường thanh niên tự quản” về AN-TT…
3 640x325
Người dân tham gia mô hình “Khu dân cư bình yên, gia đình hòa thuận”
tại thôn Mỹ Bình 1, xã Hoài Phú (TX Hoài Nhơn)
Lực lượng Công an thường xuyên phối hợp mở các lớp giáo dục pháp luật cho số đối tượng người chưa thành niên vi phạm pháp luật (có gia đình, người giám hộ và các ban ngành, đoàn thể tham gia) để mỗi gia đình, tổ chức xã hội hiểu và tự giác tham gia vào công tác giáo dục, quản lý, giúp đỡ, phòng ngừa, ngăn chặn không để con em họ vi phạm pháp luật; gọi hỏi, răn đe, giáo dục cá biệt đối tượng hình sự nổi, thanh thiếu niên chậm tiến, cho cam kết không vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, lực lượng Công an đã chủ động nắm tình hình, quản lý, theo dõi các đối tượng thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật để đưa vào diện quản lý nghiệp vụ, áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng... nhằm giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ họ thành người có ích cho xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về AN-TT không để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là hoạt động kinh doanh có tính bạo lực, kích động bạo lực, lôi kéo làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ em.
         
Mặc dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc, song thực tế cho thấy, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhất là sự phối hợp giữa gia đình và trường học trong quản lý, giáo dục người tuổi vị thành niên, góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi tội phạm, vi phạm pháp luật.

Tác giả bài viết: Khương My

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây