Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ ba - 31/10/2023 10:212740
Trong 03 năm qua, thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP, ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp thiết thực và đạt được một số kết quả khả quan.
Thời gian qua, số người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng (năm 2020: 321 người; năm 2021: 608 người; năm 2022: 642 người; từ đầu năm 2023 đến ngày 05/8/2023: 407 người). Đa số người chấp hành xong hình phạt tù về địa phương cư trú đều có tâm lý tự ti, mặc cảm với quá khứ phạm pháp và gặp nhiều khó khăn trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng như: không có việc làm hoặc việc làm tạm bợ, thu nhập không ổn định, thiếu vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh... Bên cạnh những trường hợp chấp hành tốt pháp luật, có ý chí, nghị lực vươn lên tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng thì vẫn còn những đối tượng không chịu sự quản lý, giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương, sống buông thả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tái phạm tội, vi phạm pháp luật gây mất an ninh, trật tự. Cụ thể: năm 2020, số đối tượng tái phạm tội: 35 đối tượng (tỷ lệ 1,26%); năm 2021, số đối tượng tái phạm tội: 29 đối tượng (tỷ lệ 1,03%); năm 2022, số đối tượng tái phạm tội: 33 đối tượng (tỷ lệ 1,31%); từ đầu năm 2023 đến ngày 05/8/2023, số đối tượng tái phạm tội: 23 đối tượng (tỷ lệ 0,98%). Đến thời điểm hiện tại, tổng số đối tượng cần thiết tổ chức công tác tái hòa nhập cộng đồng (người chấp hành xong hình phạt tù chưa được xóa án tích) hiện đang quản lý: 1.926 người, trong đó, số có việc làm 1.448 người, chưa có việc làm 478 người.
Thời gian qua, thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP, ngày 17/4/2020 của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, nhất là lực lượng Công an tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng và nhân rộng mô hình tái hòa nhập cộng đồng để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù góp phần phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.
Lực lượng Công an cấp xã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể cùng cấp tổ chức quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù vượt qua mặc cảm, xóa bỏ tâm lý tự ti để nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Thường xuyên điểm danh, kiểm diện và thu thập thông tin về hành vi, biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội để ngăn chặn, xử lý kịp thời. Đến tháng 10.2023, Công an cơ sở đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hàng chục “mô hình quản lý, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng” đến khu dân cư.
Bên cạnh nỗ lực của ngành Công an, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp tổ chức thực hiện Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”. Các tổ chức thành viên ở cơ sở phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành gặp gỡ, động viên, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù khắc phục khó khăn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cần thiết, tiếp cận các nguồn vốn vay để tạo việc làm. Điển hình: Mặt trận Tổ quốc huyện An Lão phối hợp giúp đỡ ông Đinh Văn Ngơ (thôn 3, xã An Quang, huyện An Lão) chăn nuôi, tạo việc làm ổn định; hộ gia đình ông Đinh Văn Gơn (thôn 1, xã An Vinh, huyện An Lão) các thủ tục để vay vốn 125.000.000 đồng phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Hội Phụ nữ các cấp thu hút hơn 40 chị là người tái hòa nhập cộng đồng tham gia tổ chức Hội, 200 lượt hoàn lương tham gia dự sinh hoạt Hội, 40 trường hợp được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp, 03 trường hợp được hỗ trợ vay vốn với tổng số tiền 120.000.000 đồng. Trong 3 năm qua, có 13 trường hợp chấp hành xong hình phạt tù được hỗ trợ vay vốn từ các chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội với tổng số tiền 450.000.000 đồng (An Nhơn: 04 trường hợp; Vân Canh: 03 trường hợp; Tây Sơn: 06 trường hợp); 11 trường hợp được vay vốn từ các nguồn tín dụng khác với tổng số tiền 450.000.000 đồng (Quy Nhơn: 06 trường hợp; An Nhơn: 05 trường hợp). Qua theo dõi của các địa phương, hầu hết số được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích vay, tạo thu nhập ổn định.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho phạm nhân chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định phối hợp với Trại giam Kim Sơn - Bộ Công an tổ chức tư vấn giới thiệu học nghề cho hơn 100 phạm nhân, giới thiệu việc làm cho 250 phạm nhân; Trường Cao đẳng Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ tiến hành đào tạo nghề sơ cấp cho 630 phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam Kim Sơn - Bộ Công an với các nghề: điện dân dụng, hàn điện, kỹ thuật xây dựng, mộc dân dụng, trồng nấm, chăn nuôi thú ý, trang sức bề mặt gỗ.
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhiều người chấp hành án phạt tù về địa phương đã nỗ lực làm lại cuộc đời. Điển hình như trường hợp anh anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1984, trú thôn Đại Chí, xã Tây An, huyện Tây Sơn; chấp hành xong hình phạt tù ngày 26/4/2013), hiện đang làm Tổ trưởng Tổ bốc vác tại địa phương, thu nhập khoảng 05 triệu đồng/tháng, cuộc sống gia đình cơ bản ổn định. Hay như trường hợp anh Lý Thành Phi (SN 1982, trú thôn Trà Sơn, xã Tây An, huyện Tây Sơn; chấp hành xong hình phạt tù 25/4/2017), hiện đang làm nghề lái xe container với thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng, đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, cuộc sống gia đình tương đối đầy đủ.