Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ năm - 06/06/2024 09:483090
Sáng 28/5/2024, tại Văn phòng UBND tỉnh, đồng chí Lâm Hải Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về an toàn thực phẩm (ATTP) đã chủ trì Hội nghị trực tuyến và trực tiếp về đánh giá công tác ATTP, phòng ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP (sau đây gọi tắt là BCĐ tỉnh); đại diện Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, phòng nghiệp vụ có liên quan thuộc Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương. Tại điểm cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố có đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các thành viên BCĐ và Tổ giúp việc BCĐ liên ngành về ATTP các huyện, thị xã, thành phố; các phòng, ban chức năng, hội đoàn thể liên quan; Trung tâm Y tế, Bệnh viện khu vực đóng trên địa bàn huyện.
Tại hội nghị, UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực triển khai công tác bảo đảm ATTP và phòng ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh của các thành viên trong BCĐ tỉnh, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan. Vì vậy, trong thời gian qua, tại Bình Định đã không để xảy ra các vụ ngộ độc lớn, nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của Nhân dân.
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Một số địa phương, nhất là ở cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm vệ sinh ATTP; hoạt động kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, người sản xuất, việc thống kê cập nhật thông tin của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh chưa thường xuyên và chưa đầy đủ; một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản chưa chấp hành nghiêm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chất kháng sinh trong sản xuất, nuôi trồng; nguồn kinh phí phân bổ cho công tác quản lý ATTP còn hạn chế; việc xử lý các vi phạm về ATTP đối với cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chưa nghiêm; một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm kinh doanh không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã ký cam kết bảo đảm ATTP còn thấp...
Nguyên nhân của tình hình trên là do hoạt động của BCĐ ở các cấp chưa đồng bộ, một số nơi còn giao khoán cho ngành Y tế; công tác phối hợp liên ngành chủ yếu tập trung trong các dịp trọng điểm; lãnh đạo một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo đảm ATTP, chưa bố trí đủ nguồn lực để thực hiện. Nhân lực phụ trách về ATTP còn thiếu về số lượng, hạn chế về nghiệp vụ. Ở cấp xã, công chức văn hóa - xã hội được phân công phụ trách về ATTP, kiêm nhiệm nhiều việc, thiếu kiến thức về ATTP nên việc tham mưu cho BCĐ còn nhiều hạn chế.
Để tiếp tục hiện hiện có hiệu quả Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 29/3/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 17- CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Bình Định và Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các thành viên trong BCĐ tỉnh/huyện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP trong lĩnh vực, địa bàn quản lý; tập trung thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ các giải pháp với tinh thần chủ động ngăn chặn, phòng ngừa ngay từ đầu, phải xác định nhiệm vụ bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm là nhiệm vụ “thường xuyên, liên tục và cấp bách” của cơ quan, đơn vị, nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân và cộng đồng.
Công an tỉnh tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm giả, kém chất lượng, vi phạm nghiêm trọng quy định về ATTP. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan trong công tác bảo đảm ATTP; tăng cường kiểm soát việc lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè để kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, gây mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và không đảm bảo ATTP; phối hợp kiểm soát thực phẩm đông lạnh không bảo đảm ATTP vận chuyển và kinh doanh trên địa bàn tỉnh.