Trung tá Nguyễn Văn Hường, Phó Trưởng Công an phường cho biết: Phần mềm ASM được kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên việc tiếp nhận thông tin lưu trú của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến Công an phường rất kịp thời và đầy đủ thông tin. Trước đây, khi chưa có phần mềm, chúng tôi phải nhập thủ công thông tin bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang lưu trú tại bệnh viện rất mất thời gian, đôi khi còn sai sót. Nhưng với phần mềm ASM công tác nắm, quản lý cư trú được thực hiện chặt chẽ, chính xác và kịp thời hơn, đáp ứng hiệu quả công tác quản lý nhân hộ khẩu, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn.
Cụ thể, cán bộ Công an phường chỉ cần ngồi tại trụ sở và truy cập vào phần mềm ASM thì thông tin về bệnh nhân vừa nhập viện tại Bệnh viện Mắt Bình Định đều được cập nhật ngay.
Bệnh viện Mắt Bình Định là cơ sở y tế đầu tiên của ngành Y tế tỉnh thực hiện thí điểm mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM. Hiện Bệnh viện Mắt Bình Định có 100 giường, với 3 phòng chức năng, 6 khoa lâm sàng, có chức năng khám, chữa bệnh tại chỗ và triển khai công tác phòng chống mù lòa tại cộng đồng. Được biết, phần mềm thông báo lưu trú ASM là mô hình thứ 10 trong danh mục 42 mô hình thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm thông báo lưu trú ASM được kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm tính bảo mật dữ liệu cá nhân, thông tin người lưu trú được đồng bộ và cập nhật liên tục trên hệ thống, góp phần phòng ngừa, phát hiện dấu hiệu tội phạm, phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự.
Hiện Công an tỉnh đang tiếp tục phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện việc đánh giá cũng như triển khai nhân rộng mô hình.