Tại buổi làm việc, hai bên cùng trao đổi thống nhất các nội dung đẩy mạnh phối hợp làm sạch dữ liệu thông tin công dân đối với các trường hợp đang được hưởng chính sách và triển khai chi trả không dùng tiền mặt theo hướng dẫn tại Quy trình số 2286/C06-TCTK ngày 22/03/2024 giữa Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an và Vụ Tài Chính, Kế toán, BHXH Việt Nam về việc phối hợp triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
BHXH tỉnh cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Định có 32.184 trường hợp đang được nhận hưởng chế độ hàng tháng, trong đó có 14.347 trường đã đăng ký nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, 17.837 trường hợp nhận tiền mặt trực tiếp. Việc thúc đẩy chính sách chi trả không dùng tiền mặt là chính sách mang lại thuận lợi cho cả cơ quan quản lý và người dân, bảo đảm công khai, minh bạch người dân có thể theo dõi, giám sát xuyên suốt quá trình được nhận chi trả bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời và đủ chế độ chính sách mà người dân được hưởng. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn 1.103 dữ liệu người hưởng chế độ vẫn chưa được rà soát làm sạch với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do chưa thu thập, cập nhật số định danh cá nhân lên hệ thống BHXH. Chính vì vậy, sự phối hợp giữa BHXH và lực lượng Công an ngay từ bây giờ là cần thiết, trước mắt phải đẩy mạnh phối hợp làm sạch dữ liệu đối với 1.103 trường hợp còn sai lệch với dữ liệu dân cư và tiếp tục tăng cường rà soát vận động người dân tham gia chính sách thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH. Đồng thời, quá trình thực hiện phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân hiểu về những giá trị, lợi ích mang lại, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân và người hưởng.
Trao đổi thống nhất các nội dung BHXH tỉnh đề nghị, đồng chí Đại tá Lê Thanh Hà, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết: “Việc xây dựng hệ sinh thái thanh toán điện tử là hết sức cần thiết trong tương lai và phải bảo đảm được các điều kiện cần thiết cơ bản: Dữ liệu phải bảo đảm đúng, đủ, sạch sống; việc chi trả phải đúng đối tượng, đúng mục đích là yếu tố then chốt. Để triển khai thực hiện hiệu quả nội dung trên, đề nghị phía BHXH tỉnh có văn bản tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện để bảo đảm tính thống nhất trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai làm sạch dữ liệu phải bảo đảm xây dựng quy trình thống nhất để hướng dẫn Công an cấp xã phối hợp với công chức Văn hóa - Xã hội, cán bộ BHXH địa phương, cán bộ bưu điện để quá trình triển khai thực hiện được đồng bộ và hiệu quả nhất. Đồng thời, phải bảo đảm được yếu tố an ninh, an toàn thông tin đối với dữ liệu thông tin công dân do BHXH cung cấp trong quá trình tổ chức rà soát, làm sạch. BHXH cũng cần xây dựng mẫu phiếu khảo sát phù hợp để tổ chức khảo sát lấy ý kiến của người được hưởng chế độ về các thông tin liên quan việc sử dụng tài khoản ngân hàng và nhu cầu nhận chi trả qua tài khoản ngân hàng để thống nhất phối hợp cùng lực lượng Công an tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân, để họ thấy được lợi ích thiết thực khi nhận hưởng chế độ không dùng tiền mặt”.
Hiện nay, Công an tỉnh cũng đang phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức rà soát, làm sạch, chuẩn hóa dữ liệu an sinh xã hội (hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công,…) nhằm xây dựng những điều kiện cơ bản, cần thiết để triển khai chính sách chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, chi trả an sinh xã hội qua ứng dụng VNeID. Đến nay đã phối hợp rà soát, cập nhật, làm sạch đối với 152.236 trường hợp/208.121 trường hợp (tỷ lệ thực hiện đạt 73,14%).