Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ hai - 14/10/2024 20:211390
Thiết kế sơ sài, không đăng ký, quản lý, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động và thường chở hàng cồng kềnh, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông là những điểm dễ nhận thấy ở xe 3, 4 bánh tự chế, xe mô tô kéo theo xe khác, vật khác. Nhằm ngăn chặn sự nguy hiểm do phương tiện này mang lại, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh đã mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm người điều khiển loại phương tiện này từ ngày 15/9/2024.
Vào lúc 08h55’ ngày 16/9/2024, tại đường ĐT638, phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn, Tổ công tác của đội CSGT-TT Công an thành phố Quy Nhơn phát hiện trường hợp điều khiển xe mô tô 3 bánh không đội mũ bảo hiểm nên tiến hành ra hiệu dừng phương tiện kiểm tra. Qua kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được giấy phép lái xe cũng như giấy đăng ký xe. Với lỗi vi phạm này, Tổ công tác đã tạm giữ phương tiện.
Ông P.V.Q trú phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn, người điều khiển phương tiện, cho biết: “Tôi biết rõ quy định không được điều khiển xe này nên lâu nay tôi cũng không dám điều khiển đi đâu. Nhưng do hôm nay tranh thủ chở ít đá về đắp cái nền nhà nên tranh thủ chạy vì nghĩ chỉ chạy đoạn đường ngắn thôi”.
Trước đó, tại đường Tây Sơn, phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn, Tổ công tác cũng đã tiến hành tạm giữ phương tiện xe mô tô 3 bánh với các lỗi không có giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe. Ngoài ra, phương tiện cũng không có đèn, còi và thắng không đạt tiêu chuẩn. Sau khi xử lý vi phạm hành chính, Tổ công tác cũng tiến hành tuyên truyền để người vi phạm nắm rõ quy định.
Trung tá Ngô Hoài Bảo, Đội trưởng đội CSGT-TT Công an thành phố Quy Nhơn cho biết: “Các phương tiện này thường không bảo đảm về kết cấu, hệ thống phanh, đèn chiếu sáng, lại có phương tiện lắp thêm giá đỡ, kéo theo xe khác, vật khác vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), gây cản trở việc lưu thông của các phương tiện khác trên đường nên vô cùng nguy hiểm. Vì thế, đi đôi với việc xử lý vi phạm, chúng tôi cũng chú trọng tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu không sử dụng nữa vì các phương tiện này một khi bị xử lý là sẽ tịch thu phương tiện”.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, việc đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật vào lưu thông là hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó, người vi phạm có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền 2 - 12 triệu đồng tùy vào loại phương tiện; tước giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng và tịch thu phương tiện. Trường hợp gây tai nạn sẽ bị xử lý hình sự, tùy vào mức độ và hậu quả; mức phạt cao nhất lên đến 10 năm tù giam.
Với mục đích từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông của người dân, góp phần bảo đảm TTATGT và xây dựng hình ảnh đẹp, mỹ quan tại khu vực trung tâm thành phố, thị xã, khu đô thị, Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý chuyên đề xe 3, 4 bánh tự sản xuất, lắp ráp và xe mô tô, xe gắn máy kéo theo xe khác, vật khác vi phạm TTATGT trên toàn tỉnh. “Trước thực trạng một số người còn giả danh xe dành cho đối tượng chính sách là thương binh, cố tình vi phạm các quy định khi tham gia giao thông. Nhiều trường hợp chở sắt, thép, vật liệu xây dựng cồng kềnh, không che chắn… gây phản cảm và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Vì thế, CSGT toàn tỉnh đã mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý chuyên đề xe 3, 4 bánh tự sản xuất, lắp ráp và xe mô tô, xe gắn máy kéo theo xe khác, vật khác vi phạm TTATGT trên phạm vi toàn tỉnh kể từ ngày 15/9/2024”, Thượng tá Võ Văn Chín, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết.
Để ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm liên quan loại phương tiện này, từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân, góp phần bảo đảm TTATGT, mỹ quan đô thị, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng CSGT tỉnh phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát, tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến việc cấm sản xuất, sử dụng xe tự chế tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT, lên án những hành vi vi phạm chở hàng hóa cồng kềnh, điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.
Thượng tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng Công an huyện Tây Sơn cho biết: “Qua rà soát, huyện Tây Sơn có hơn 600 phương tiện xe 3, 4 bánh tự lắp ráp và xe mô tô, xe gắn máy kéo theo xe khác, vật khác. Để tạo sự đồng thuận và giúp Nhân dân tự giác tuân thủ quy định, Công an huyện Tây Sơn đã chủ động chia thành 02 giai đoạn để thực hiện: Giai đoạn 1, chúng tôi tập trung rà soát và đến từng nhà để vận động không đưa các phương tiện này tham gia giao thông công cộng; giai đoạn 2, Công an huyện kết hợp tuyên truyền, cho ký cam kết đối với những trường hợp chưa được tuyên truyền và kiên quyết xử lý đối với những trường hợp chây ì, bất hợp tác”.
Trong khi đó, Công an thành phố Quy Nhơn cũng đang rà soát các trường hợp thương binh, bệnh binh, người khuyết tật trên địa bàn từng sở hữu, sử dụng xe 3, 4 bánh tự đóng, tự chế không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định, tuyên truyền, vận động người dân chuyển sang sử dụng các loại xe phù hợp, bảo đảm TTATGT.
Thượng tá Võ Văn Chín, Trưởng phòng CSGT cho rằng: Để công tác xử lý vi phạm đạt được hiệu quả theo kế hoạch, cần sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương, kịp thời rà soát các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, chính quyền sở tại tuyên truyền, vận động không sử dụng phương tiện “tự chế”, đối với các cơ sở gia công cơ khí, yêu cầu không nhận chế tạo, sản xuất xe 3, 4 bánh.