Chủ động, nêu gương, kỷ cương

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thứ năm - 02/06/2022 13:56 8.212 0
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn tuy không mới nhưng đã lừa đảo nạn nhân với số tiền hàng trăm triệu đồng, trong đó nổi lên là thủ đoạn lợi dụng mạng viễn thông, internet, mạng xã hội; sử dụng giấy tờ giả… để thực hiện hành vi phạm tội.
        Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ LĐCĐTS, chiếm 5,4% số vụ phạm pháp hình sự, tăng 06 vụ (~ 87,7%) so với cùng kỳ năm 2021. Địa bàn xảy ra ở Hoài Nhơn 05 vụ; An Lão 03 vụ; Quy Nhơn 02 vụ; An Nhơn, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh mỗi nơi 01 vụ.
Qua công tác đấu tranh, nổi lên một số phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm LĐCĐTS thời gian gần đây như sau:
1. Thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức gửi tiền, quà từ nước ngoài: Đối tượng giả danh người nước ngoài kết bạn với nạn nhân qua các trang mạng xã hội. Sau khi chiếm được lòng tin và khai thác thông tin cá nhân, đối tượng đề nghị tặng một khoản tiền hoặc quà cho nạn nhân. Một đối tượng khác sẽ gọi điện mạo danh là nhân viên đơn vị vận chuyển để xác nhận gói quà, đề nghị nạn nhân chuyển tiền để làm thủ tục nhận quà/tiền, thanh toán các phí liên quan rồi chiếm đoạt.
Điển hình: Đầu tháng 4/2022, Đặng Thị Hồng Hải (1975, trú tại An Hòa, An Lão) kết bạn Facebook với tài khoản Paulino Jeff tự xưng ở nước ngoài cần về Việt Nam sinh sống, muốn gửi tiền nhờ bà Hải mua giúp nhà, đất và xin số căn cước công dân, số điện thoại bà Hải để chuyển tiền về. Đến ngày 10/5/2022, có một phụ nữ gọi điện thông báo có gói hàng gửi từ nước ngoài về đến Hải quan Việt Nam, yêu cầu bà Hải nộp phí hải quan 36 triệu đồng vào 01 số tài khoản, bà Hải đồng ý. Sau đó, người phụ nữ nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu bà Hải chuyển thêm tiền. Từ ngày 10/5 – 18/5/2022, bà Hải đã chuyển tổng cộng 500 triệu vào số tài khoản trên. Sau khi nhận tiền, người phụ nữ trên không cho bà Hải nhận hàng và cắt đứt liên lạc. Ngày 27/5/2022, bà Hải đến Công an huyện An Lão trình báo vụ việc.
2. Các đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội của những người dùng, sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại… nhằm chiếm đoạt tài sản.
Điển hình: Ngày 07/5/2022, các đối tượng sử dụng nhiều tài khoản Facebook đã bị hack, giả mạo là chủ tài khoản nhắn tin mượn tiền, chiếm đoạt số tiền 23 triệu đồng của chị Trần Thị Xuân (1967, trú thị trấn Vĩnh Thạnh).
3. Thủ đoạn giả danh các cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ Nhà nước gọi điện cho nạn nhân để lừa đảo: Các đối tượng sau khi thu thập thông tin cá nhân của nạn nhân, sử dụng công nghệ đổi đầu số điện thoại, giả mạo các cơ quan chức năng như cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… gọi điện thông báo nạn nhân có liên quan đến tội phạm, gây sức ép, thuyết phục nạn nhân chuyển khoản tới tài khoản do đối tượng cung cấp để phục vụ điều tra xác minh, rồi chiếm đoạt.
cuoc goi lua dao

Điển hình: Ngày 12/4/2022, một số đối tượng giả danh là lực lượng Công an, Viện Kiểm sát dùng điện thoại liên lạc với Nguyễn Thị Trúc Linh (1997, trú xã Vĩnh Hòa) yêu cầu làm theo các hướng dẫn và chiếm đoạt số tiền hơn 160 triệu đồng.

4. Thủ đoạn lừa đảo dưới hình thức tuyển dụng nhân viên làm việc online tại nhà: Các đối tượng nhắn tin cho các nạn nhân qua tin nhắn điện thoại, mạng xã hội với các nội dung tuyển dụng nhân viên làm việc nhẹ tại nhà, lương cao, không cần bằng cấp… Nạn nhân tham gia và thực hiện theo các hướng dẫn đăng ký của đối tượng, khai báo các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để trả lương và bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điển hình: Ngày 30/4/2022, Trần Thị Nhi (1996, trú An Hòa, An Lão) trình báo cơ quan Công an về việc bị lừa số tiền gần 370 triệu đồng sau khi tải và sử dụng ứng dụng “Công việc bán thời gian” trên mạng.
* Để chủ động phòng ngừa các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các sở, ngành, hội, đoàn thể, chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 10/6/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó tập trung các công tác sau:

1. Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong Nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, dự án bất động sản, quy hoạch xây dựng...; tuyên truyền, thông báo về hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình để người dân chấp hành pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác. Ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội (zalo, facebook…), nền tảng di động... trong công tác tuyên truyền để đem lại hiệu quả cao, dễ tiếp cận.
2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là đối với các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như đất đai, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh, không gian mạng, xuất khẩu lao động... Rà soát, xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan gây vướng mắc trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời tham mưu, kiến nghị và đề ra các giải pháp khắc phục.
3. Các cơ quan thực thi pháp luật cần tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
4. Đối với bản thân mỗi người dân:
- Hạn chế truy cập vào các trang web lạ, không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội hoặc cho người lạ gọi điện.
- Không cho mượn, cho thuê hoặc cho chụp ảnh các giấy tờ cá nhân như: căn cước công dân, CMND, thẻ ngân hàng; không bán hoặc cho thuê tài khoản ngân hàng để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội.
- Không cung cấp mã OTP, không chuyển tiền cho bất kỳ ai không có căn cứ, cho người lạ yêu cầu.
- Thường xuyên kiểm tra, cập nhật tính năng bảo mật, quyền riêng tư của tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, thư điện tử.
- Báo ngay cho cơ quan Công an và ngân hàng để kịp thời phong tỏa tài sản, ngăn chặn đối tượng rút tiền tẩu tán tài sản khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
untitled 2

Tác giả bài viết: Khương My

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây