XD phong cách Bản lĩnh, nhân văn

“Điểm tựa” cho những người từng lầm lỡ.

Thứ tư - 21/12/2022 09:59 502 0
Sau 02 tháng được thành lập, mô hình “Hội Nông dân với công tác quản lý, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng” xã Tây An, huyện Tây Sơn đã góp phần giúp nhiều người từng lầm lỡ xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập tốt với cộng đồng.
Ảnh: Ban điều hành mô hình đến thăm hỏi động viên và trao tặng quà và những người từng lầm lỡ
Ảnh: Ban điều hành mô hình đến thăm hỏi động viên và trao tặng quà và những người từng lầm lỡ
Đa phần những người lầm lỡ ở xã Tây An, huyện Tây Sơn sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đều có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm nên rất dễ bị sa ngã trở lại và gây mất AN-TT ở địa phương. Trước thực tế đó, mô hình “Hội Nông dân với công tác quản lý, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng” xã Tây An được thành lập vào tháng 10/2022 với 41 thành viên. Ban điều hành mô hình có 11 thành viên, đại diện cho các Ban, Ngành, Đoàn thể của xã và 05 thôn trên địa bàn. Các thành viên của mô hình thường xuyên phối hợp các Ban, Ngành, Đoàn thể của xã vận động, tuyên truyền, tặng quà, hỗ trợ và hướng nghiệp giúp họ phát triển kinh tế, vượt qua mặc cảm, vươn lên làm lại cuộc đời. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội nông dân xã, Trưởng ban điều hành mô hình cho biết: “Để mô hình hoạt động hiệu quả, ngoài sinh hoạt theo định kỳ hàng tháng, Ban Chỉ đạo còn gặp gỡ riêng từng người tái hòa nhập để trò chuyện, nắm bắt tâm tư, khuyên bảo, giúp đỡ về mặt tinh thần; đồng thời, tìm cách hỗ trợ về vật chất”.
         
Thực hiện theo quy chế của mô hình, các Tổ tự quản trên địa bàn 05 thôn thường xuyên tổ chức thăm hỏi tình hình đời sống, sinh hoạt của những người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng có hoàn cảnh thật sự khó khăn. Những món quà của mô hình tuy trị giá không cao nhưng mang lại niềm tin, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với các gia đình có người tái hòa nhập cộng đồng. Chỉ sau 02 tháng triển khai, mô hình đã tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức của mọi người trong cộng đồng đối với những người từng lầm lỡ. Không còn ai tỏ thái độ hay có lời nói thiếu thiện chí với họ nữa mà trái lại, nếu giúp được thì sẵn lòng.

         
Anh N.V.D ở thôn Đại Chí, Tây An sau khi rời khỏi trại cải tạo với 02 bàn tay trắng đối mặt với bao khó khăn, thử thách. Nhà nghèo, các anh chị đều có gia đình ở riêng, cộng với tâm lý tự ti, anh N.V.D cứ nghĩ sẽ không thể đối diện được với cuộc sống hiện tại. Thế nhưng, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của mô hình mà đã giúp anh dần xóa đi mặc cảm của một thời lầm lỗi. “Lúc đầu, mình cũng hơi e ngại, song được mọi người đối xử vui vẻ, thân thiết nên càng ngày mình càng thấy thích. Có gì khó khăn thì đã có các cô chú anh chị ở Hội nông dân giúp đỡ. Giờ đây, tôi không còn mặc cảm nữa mà chỉ chăm lo làm ăn để ổn định cuộc sống gia đình, không phụ sự quan tâm của mọi người”. Anh N.V.D bộc bạch.

         
Nhiều trường hợp người từng lầm lỡ ở xã Tây An có cùng suy nghĩ như anh N.V.D. Thiếu tá Đặng Thanh Quang - Trưởng Công an xã, Phó ban điều hành của mô hình thông tin thêm “Thời gian tới, Công an xã cùng các ban, ngành, đoàn thể xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ định kiến, kỳ thị, tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, chúng tôi mong rằng những người hoàn lương trên địa bàn xã cần tiếp tục chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, Chính sách, pháp luật của Nhà nước; chí thú làm ăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống… Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng tái phạm tội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Mão 2023”.

Tác giả bài viết: Minh Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây