Nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, khi xảy ra cháy do chập điện ngọn lửa bùng phát nhanh, khó dập tắt. Ngày 08/4/2023, tại phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, Cửa hàng bán tạp hoá của bà Nguyễn Thị Trường (SN 1964, ở khu phố Tân Thành) bốc cháy. Tuy nhiên, do cửa hàng có nhiều vật dụng dễ cháy như quần áo trẻ em, bỉm, sữa, máy giặt, đồ dùng sinh hoạt… nên ngọn lửa lan nhanh. Khi lực lượng chữa cháy đến hiện trường, đám cháy đã bao trùm toàn bộ căn nhà và đang có nguy cơ cháy lan sang các ngôi nhà xung quanh. Đám cháy phát sinh nhiều khói độc, khí độc… khó khăn trong việc tiếp cận và tổ chức chữa cháy. Lực lượng chữa cháy đã gặp không ít khó khăn khi dập tắt và khống chế đám cháy. Hậu quả, 200m2 căn nhà cùng nhiều thiết bị và hàng hóa bị cháy rụi. Cơ quan chức năng xác định vụ cháy này do hệ thống điện nhà bà Trường đã cũ dẫn đến chập điện. Vụ cháy xảy ra chiều ngày 06/01/2023, tại Cơ sở Karaoke Hữu Tình của bà Nguyễn Thị Bích Hợp (SN 1982, ở xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn) cũng do chập điện tại một phòng karaoke. Nhờ lực lượng chữa cháy dập tắt kịp thời nên thiệt hại chỉ 50 triệu đồng. Hay vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng làm 01 người chết, 01 người bị thương xảy ra ngày 10/02/2023, tại ki ốt số 8 trong Cảng cá Quy Nhơn thuộc khu phố 7, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn cũng có nguyên nhân do chập điện.
Theo Thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh: “Mùa nắng nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn nhất trong năm. Thời điểm này, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân tăng cao, đặc biệt với các thiết bị công suất lớn, tiêu thụ điện cao như: quạt máy, điều hòa... nhiều thiết bị điện hoặc sản phẩm sử dụng điện kém an toàn, cùng sự bất cẩn trong quá trình sử dụng thiết bị điện có thể dẫn đến các sự cố quá tải, chập điện và gây ra cháy, nổ”.
Hiện nay, các vụ cháy xảy ra thường là nhà ở và nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, ngoài quan tâm đến công tác kiểm tra, tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng cháy trong Nhân dân, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp tuyên truyền quy định pháp luật về công tác phòng, chống cháy nổ để người dân hiểu biết, quản lý tốt việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong sinh hoạt, sản xuất, tránh gây quá tải dẫn đến nguy cơ cháy nổ.
Đặc biệt, đối với khu vực đông dân cư, thực hiện Kế hoạch số 273/KH-BCA-C07, ngày 01/6/2022 của Bộ Công an về việc tăng cường công tác PCCC và CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm lực lượng Công an, nhất là Công an cấp xã, phường đã tham mưu UBND cùng cấp xây dựng và ra mắt 289 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 131 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”. Mỗi hộ trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá vỡ và lắp đặt 01 chuông báo cháy. Khi xảy ra cháy, người dân chỉ cần bấm chuông, hệ thống kích hoạt phòng cháy sẽ thông báo cho các nhà còn lại biết để hỗ trợ kịp thời. Các Tổ liên gia nhắc nhở hộ của mình nâng cao ý thức trong việc sử dụng điện an toàn.
“Mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, nhất là những thiết bị giảm nhiệt và làm mát. Điều này có thể dẫn tới quá tải hệ thống điện khiến xảy ra chập cháy hiện hữu, đặc biệt là hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh trong khu dân cư…Vì vậy, người dân hết sức cẩn trọng những thiết bị điện, đồ dùng điện quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để kịp thời sửa chữa hoặc thay thế. Khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị điện nữa hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện”, Thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh khuyến cáo.