Sáng 26/12/2023, tại xã Tây An, huyện Tây Sơn, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo phòng Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho Hội Nông dân xã Tây An về thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương.
Theo thống kê, tính từ tháng 12/2010 đến tháng 10/2022, trên địa bàn xã Tây An có 30 người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) về tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó đã xóa án tích là 16 người, chưa xóa án tích là 14 người.
Thiếu tá Đặng Thanh Quang, Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Ban điều hành mô hình cho biết: “Sau một năm thực hiện mô hình, các Tổ tự quản của mô hình ở xã Tây An thông qua các buổi họp xóm đã tiến hành hơn 36 lượt vận động Nhân dân ở khu dân cư phối hợp với gia đình giám sát, giáo dục, giúp đỡ người CHXAPT; đồng thời, thực hiện hơn 20 lượt gặp gỡ các gia đình và tiếp xúc người tái hòa nhập cộng đồng để thăm hỏi, động viên, hướng nghiệp và trao tặng 07 suất quà trị giá 300.000đ/suất cho các trường hợp người CHXAPT có hoàn cảnh khó khăn trong các dịp Lễ, Tết kết hợp vận động tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, nhất là phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Mô hình “Hội Nông dân với công tác quản lý, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng” được UBND xã Tây An thành lập và ra mắt vào ngày 15/10/2022. Ban điều hành mô hình gồm 12 thành viên. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây An làm Trưởng ban, Trưởng Công an xã làm Phó Trưởng ban, 10 thành viên trong đó bao gồm các Phó Trưởng Công an xã, các hội, đoàn thể và Trưởng các thôn. Tổ tự quản Mô hình bao gồm 05 tổ ở các thôn Đồng Quy, Háo Nghĩa, Mỹ Đức, Đại Chí và Trà Sơn.
Trong năm, Ban điều hành và các Tổ tự quản đã trực tiếp làm việc với các Tổ vay vốn của các hội, đoàn thể xã tạo điều kiện và giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng được tiếp cận vốn vay từ Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Qua đó đã giúp đỡ, giới thiệu 02 người được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện với tổng số tiền 140 triệu đồng. Ban điều hành đã trực tiếp làm việc với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn xã về việc tiếp nhận, tạo việc làm cho những người tái hòa nhập cộng đồng và đã có 03 công ty cam kết sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết việc làm ổn định cho những người tái hòa nhập cộng đồng nếu có nhu cầu. Đồng thời, phối hợp với các hội, đoàn thể xã liên kết với các Trung tâm hướng nghiệp - dạy nghề để mở các lớp đào tạo nghề cho số người tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn. Kết quả đã trực tiếp tư vấn, giới thiệu việc làm cho 06 người chưa có việc làm ổn định. Đến nay, đã có 02 người đã có việc làm ổn định trong các công ty, doanh nghiệp; 01 người được vay vốn và mua bán tại nhà; hiện còn 03 người chưa có việc làm ổn định, đời sống còn khó khăn hiện đang tiếp tục được Ban điều hành mô hình quan tâm tìm biện pháp hỗ trợ giới thiệu việc làm.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân, Trưởng Ban điều hành mô hình cho biết: “Trong năm qua, Ban điều hành thường xuyên đăng bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định về công tác tái hòa nhập cộng đồng nhằm xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử với người CHXAPT về tái hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi phân công các thành viên Tổ tự quản thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên người CHXAPT, phối hợp với gia đình giáo dục, cảm hóa, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người CHXAPT để đề xuất Ban điều hành mô hình có biện pháp giúp đỡ họ vượt qua những khó khăn, ổn định tâm lý, hòa nhập với cộng đồng”.