Chủ động, nêu gương, kỷ cương

Nâng cao hiệu quả công tác PCCC đối với xưởng sản xuất.

Thứ hai - 25/07/2022 10:12 628 0
Thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ trên địa bàn cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, đáng chú ý là đã xảy ra một số vụ cháy lớn tại các xưởng sản xuất tư nhân, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, điển hình như 02 vụ cháy: Công ty TNHH Sài Gòn Max (Đ/c: KCN Phú Tài,P. Trần Quang Diệu, Tp.Quy Nhơn, Bình Định); Công ty TNHH Hoàng Phát (Đ/c: KCN Phú Tài, P.Trần Quang Diệu, Tp.Quy Nhơn, Bình Định) gây thiệt hại lớn về tài sản. Nguyên nhân chủ yếu do vi phạm quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy. Trước thực trạng trên, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chúc năng tổ chức tuyên truyền công tác PCCC cho các chủ xưởng sản xuất tư nhân và cán bộ, công nhân viên.

Theo đó, tại các buổi tuyên truyền, học viên đã được đã phổ biến những quy định của pháp luật về công tác phòng cháy chữa cháy; tình hình cháy nổ trên địa bàn thời gian gần đây; phân tích nguyên nhân gây cháy và những bài học kinh nghiệm; biện pháp chữa cháy cơ bản và những kỹ năng thoát hiểm, cách xử lý tình huống khi xảy ra sự cố cháy nổ; hướng dẫn thao tác sử dụng và bảo quản bình chữa cháy. Song song với việc học lý thuyết, học viên còn được thực hành cách sử dụng các phương tiện chữa cháy và một số cách thức xử lý nhanh các tình huống. Thông qua tuyên truyền giúp các đại biểu nâng cao kiến thức và ý thức trách nhiệm trong công tác phòng cháy chữa cháy, nhất là đối với địa phương có nghề truyền thống thường xuyên sử dụng lượng lớn khí gas hóa lỏng vào sản xuất, từ đó chủ động xử lý kịp thời các tình huống về cháy nổ khi có sự cố xảy ra tại địa phương, đơn vị cũng như gia đình.

Để đảm bảo an toàn PCCC, chấp hành nghiêm túc quy định an toàn PCCC, tại nơi làm việc, khu vực sản xuất cần thực hiện những biện pháp sau đây:

1. Có niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ.

2. Thực hiện các biện pháp, giải pháp kỹ thuật để khống chế và kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt.

3. Trước khi tiến hành công việc phải thực hiện kiểm tra an toàn PCCC tại nơi làm việc, nơi sản xuất do mình đảm nhiệm, nếu phát hiện có dấu hiệu mất an toàn về PCCC phải tìm mọi cách để khắc phục và báo ngay người quản lý trực tiếp biết.

Khi nghỉ làm việc phải tắt các nguồn điện, nguồn nhiệt đồng thời kiểm tra các yếu tố khác có thể phát sinh nguồn nhiệt tại khu vực mình đảm nhiệm.

4. Sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu nhất là các chất đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ như: Xăng, dầu, khí cháy thì phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC theo quy định.

5. Hàng hoá trong kho phải được sắp xếp theo đúng quy định an toàn PCCC.

6. Lắp đặt thiết bị bảo vệ (Aptomat) cho hệ thống điện toàn cơ sở, từng khu vực, phân xưởng và các thiết bị điện có công suất lớn, tách riêng các nguồn điện: chiếu sáng, phục vụ thoát nạn, chữa cháy, sản xuất... Nghiêm cấm các hành vi tự ý: Câu mắc, dùng dây dẫn điện cắm trực tiếp vào ổ điện, sử dụng điện tùy tiện mất an toàn…

7. Khi tiến hành hàn, cắt kim loại. Phải che chắn bằng các vật liệu chống cháy, di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn, cắt (tối thiểu là 10m), không để vảy hàn tiếp xúc với các vật dễ cháy, phải cử người trông coi thường xuyên trong suốt quá trình hàn, cắt. Chỉ sử dụng các thiết bị, dụng cụ hàn, cắt đảm bảo an toàn PCCC…
Khi tiến hành các công việc hàn, cắt kim loại trong khu vực gian tuabin bắt buộc phải có phiếu công tác và phải thử nồng độ hyđrô. Phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn PCCC theo quy định.

8. Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho cả công trình, từng khu vực; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn.

9. Có hệ thống thông gió, thoát khói, chống tác động của nhiệt trên lối thoát nạn, phòng lánh nạn tạm thời; không để vật tư, hàng hoá làm cản trở lối thoát nạn.

10. Thành lập đội PCCC cơ sở, đội PCCC chuyên ngành; mỗi bộ phận, phân xưởng, ca làm việc có tổ hoặc có người tham gia đội PCCC; bố trí lực lượng thường trực chữa cháy 24/24 giờ, đảm bảo điều kiện chữa cháy tại chỗ.

11. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH cho cán bộ quản lý, lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành, an toàn viên và những người làm việc trực tiếp tại nơi có nguy hiểm về cháy nổ.

12. Trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất  đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của từng khu vực sản xuất.

13. Xây dựng phương án và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người trong tình huống phức tạp nhất.

14. Khi xảy ra cháy, báo động cho mọi người xung quanh biết, bằng cách hô to, đánh kẻng báo động, nhấn chuông báo cháy…Nhanh chóng tìm mọi cách ngắt nguồn điện nơi xảy ra cháy, sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ được trang bị để dập tắt đám cháy, ngăn chặn chống cháy lan. Tổ chức thoát nạn, cứu người và di chuyển tài sản theo phương án, tình huống đã dự kiến. Đồng thời thông báo bằng mọi cách nhanh nhất tới người phụ trách trực tiếp biết, gọi điện thoại báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số 114, đến tham gia chữa cháy.

Tác giả bài viết: Đội Công tác Phòng cháy - Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây