Chủ động, nêu gương, kỷ cương

Bài học từ vụ án gian lận bảo hiểm y tế.

Thứ ba - 02/01/2024 14:12 1.018 0
Nhằm tăng thêm thu nhập cho cán bộ trong khoa, một số bác sĩ, điều dưỡng của khoa Đông y, Trung tâm y tế thành phố Quy Nhơn đã cùng lập và ký khống hồ sơ bệnh án điều trị nội trú để thanh toán tiền bảo hiểm y tế (BHYT).
Quang cảnh phiên tòa
Quang cảnh phiên tòa
Sau 03 lần hoãn, phiên tòa xét xử 07 bị cáo, gồm Phạm Thị Xuân (SN 1972), Nguyễn Đình Tiên (SN 1963), Đinh Thị Thục Hiền (SN 1967), Nguyễn Thị Thanh Thúy (SN 1964), Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 1992) cùng trú thành phố Quy Nhơn; Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1993), Ngô Thị Bích Loan (SN 1994) cùng trú huyện Tuy Phước cùng phạm tội “Gian lận bảo hiểm y tế” mới chính thức diễn ra vào ngày 22/12/2023.

Tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi sai trái của mình. Theo đó, Bộ Tài chính có chủ trương cho các đơn vị sự nghiệp có thu xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ, nên Trung tâm y tế thành phố Quy Nhơn ban hành Quy chế chi nội bộ và phương án chi trả tiền lương tăng thêm nhằm khuyến khích các nhân viên. Lợi dụng điều này, từ tháng 01/2018 đến tháng 9/2018, Xuân là công nhân của Công ty Cổ phần giày Bình Định cấu kết với bác sĩ điều trị và các điều dưỡng tại khoa Đông y gian lận khám bệnh, điều trị đối với 23 cá nhân là công nhân Công ty Cổ phần giày Bình Định, có bảo hiểm y tế, nhưng không nhập viện để điều trị nội trú. Cụ thể, đã lập khống 111 hồ sơ bệnh án, ký xác nhận khống giấy ra viện, để bảo hiểm y tế thanh toán từ nguồn quỹ của bảo hiểm gây thiệt hại với số tiền hơn 389 triệu đồng.

Bị cáo Hiền (nguyên là bác sĩ điều trị của Khoa) thừa nhận, lập hồ sơ khống là sai, nhưng nghĩ đơn giản giúp khoa có thêm nguồn thu nên làm. “Khi được Xuân nhờ bị cáo đã đồng ý và để hợp thức thủ tục, bị cáo lập phiếu khám bệnh, giấy vào viện, ghi họ tên, địa chỉ người nhà, còn các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm thì do điều dưỡng trực lấy máu và nước tiểu của chính mình gửi cho khoa xét nghiệm…”, bị cáo Hiền nói.

Bị cáo Xuân thừa nhận, sau khi nhận giấy xuất viện, bị cáo đi nộp tiền viện phí (20% BHYT bệnh nhân phải đóng) làm thủ tục xuất viện, nhận giấy ra viện đưa lại cho các công nhân để làm thủ tục thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội tại Công ty.

Trong khi đó, với chức năng điều dưỡng, bị cáo Hằng cũng thừa nhận để có bệnh phẩm xét nghiệm theo quy định, bản thân đã tự lấy máu, nước tiểu của mình để xét nghiệm. Bị truy tố với việc đã ký khống 111 bộ hồ sơ của 23 công nhân, trong đó trực tiếp ký 35 hồ sơ bệnh án điều trị của 16 cá nhân, gây thiệt hại nguồn quỹ BHYT hơn 140 triệu đồng. Bị cáo Tiên (nguyên Bác sĩ, Phó Khoa phụ trách) cho rằng bản thân không biết đâu là hồ sơ khống, hồ sơ có bệnh nhân thực tế, vì các hồ sơ bệnh án đều thể hiện đầy đủ theo quy định. Nhưng, khi chủ tọa truy vấn hàng ngày đi thăm khám mà không nắm có bao nhiêu bệnh nhân đang điều trị là không đúng. Lúc này, bị cáo Tiên mới nhận bản thân có biết.

Suốt phiên xử, Hội đồng xét xử tập trung làm rõ động cơ phạm tội của từng bị cáo. Theo đó, bị cáo Xuân là người trực tiếp đưa các giấy CMND, thẻ BHYT cho các bác sĩ điều trị và điều dưỡng để lập khống 111 hồ sơ bệnh án nên chịu trách nhiệm chính trong vụ án cũng như số tiền BHYT đã chi trả hơn 389 triệu đồng. Bị cáo Tiên, biết rõ các quy định của Nhà nước về việc khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh điều trị nội trú từ nguồn BHYT, nhưng vẫn ký khống ở các mục hồ sơ bệnh án điều trị nội trú nên phải chịu trách nhiệm hình sự, về tội “Gian lận bảo hiểm y tế” với tình tiết “Gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng”.

Bị cáo Hiền, đã trực tiếp lập và ký khống 58 hồ sơ bệnh án để BHYT thanh toán hơn 195 triệu đồng. Tương tự bị cáo Thủy (nguyên bác sĩ Khoa Đông y) cũng trực tiếp tham gia lập khống 13 hồ sơ bệnh án, đã gây thiệt hại nguồn quỹ BHYT với hơn 34 triệu đồng. Đối với, các bị cáo Hằng, Loan và Trang là điều dưỡng đã tham gia lập 53 hồ sơ bệnh án điều trị khống, gây thiệt hại nguồn quỹ BHYT hơn 198 triệu đồng. Hành vi này của các bị cáo phạm vào tội “Gian lận bảo hiểm y tế” với tình tiết “Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng”.
         
Mặc dù, các bị cáo thành khẩn khai báo, tự giác khắc phục số tiền làm thất thoát của BHYT, nhưng xét thấy hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý quỹ bảo hiểm y tế nên Hội đồng xét xử đã lần lượt tuyên phạt các mức án: Xuân 09 tháng tù giam, Tiên 06 tháng tù giam, Hiền 03 tháng tù giam, các bị cáo còn lại lần lượt lãnh các mức án từ 9 - 18 tháng cải tạo không giam giữ.

Tác giả bài viết: Minh Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây