Logo CAND

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng gia tăng.

Thứ ba - 11/06/2024 23:22 1.030 0
Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2024, lực lượng Công an toàn tỉnh tiếp nhận xử lý 64 vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với số tiền bị chiếm đoạt hơn 90 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2023 Công an toàn tỉnh tiếp nhận 116 vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, số tiền bị chiếm đoạt 90,1 tỷ đồng.
Đối tượng phạm tội sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vụ việc xảy ra có dấu hiệu gia tăng. Bị hại trong các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng không như trước đây là những người ít hiểu biết pháp luật, không rành công nghệ mà hiện nay bị hại còn là nhiều người đã và đang làm trong cơ quan, tổ chức của nhà nước, đang kinh doanh, am hiểu công nghệ thông tin. Điều đó cho thấy thủ đoạn đối tượng ngày càng tinh vi, đánh đúng tâm lý hám lợi của bị hại.
         
Phương thức thủ đoạn nổi lên chủ yếu vẫn là giả danh cơ quan tố tụng; giới thiệu việc nhẹ lương cao; kêu gọi bị hại đầu tư tài chính trên các trang web bán hàng, công ty tài chính; đặc biệt có phương thức thủ đoạn mới là lợi dụng việc đăng ký chạy Kun marathon của trẻ em trên Facebook, đối tượng hướng dẫn bị hại phải thao tác xác thực chuyển tiền mới được đăng ký và bị chiếm đoạt tiền. Thậm chí rất nhiều vụ lừa đảo kép, bị hại bị lừa đảo 02 lần trong một vụ.
Dù đã có nhiều thông tin về các chiêu thức lừa đảo của tội phạm công nghệ cao, nhưng vì lòng tham và thiếu hiểu biết không ít người vẫn bị sập bẫy. Gần đây, các đối tượng còn bày thêm nhiều chiêu thức lừa đảo mới.
         
Ngày 30/5/2024, Công an thành phố Quy Nhơn nhận đơn trình báo của ông PTN (SN 1977) trú thành phố Quy Nhơn về việc mình bị lừa dảo chiếm đoạt 243 triệu đồng. Ông N cho biết khi lướt Facebook đọc được tin quảng cáo mời chào mua dâm của trang “Dịch vụ gái gọi cao cấp 63 tỉnh thành”. Ông N có nhu cầu mua dâm nên nhắn tin tìm hiểu thì được một số đối tượng sử dụng tài khoản Telegram tên “Phương Thảo" (@phuongthao1997), “Chuyên viên: Bùi Thị Thư" (@buiphucvinh23), SĐT: 0359.611.657, nhóm Telegram "Kingdom of Sex" nhắn tin, gọi điện tư vấn cho ông N. Các đối tượng trên đưa ra thông tin ông N chuyển tiền, tham gia đặt lệnh trên trang web "loveedit.club" bằng cách bình chọn A, B, C hoặc D có kết quả ngay sau đó theo hướng dẫn của các đối tượng, sẽ chắc chắn thắng lệnh thu được lợi nhuận cao, đồng thời sẽ trở thành hội viên của “Câu lạc bộ gái gọi cao cấp 63 tỉnh thành" được mua dâm với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giá rẻ.

         
Ông N tưởng thật nên mắc bẫy đã chuyển khoản nhiều lần với tổng số tiền 243.390.000 đồng đến các tài khoản Ngân hàng VIB 55797535767 - Huynh Thanh Tung, Vietcombank 1039774147 - Mai Van Anh, Techcombank 1080636825 - Dang Ngoc Khanh và SHB 0362953032 - Mai Duc Dang Khoa do các đối tượng cung cấp để nạp tiền đặt lệnh, đóng phí rút tiền thắng lệnh. Khi không rút được tiền, ông N đến cơ quan Công an trình báo.

         
Hay Công an thành phố Quy Nhơn vừa nhận tin báo với thủ đoạn lừa đảo giả danh Chi cục thuế tỉnh Bình Định chiếm đoạt tiền. Chiều 16/5/2024,  chị LTTH (SN 1979) trú phường Trần Quang Diệu đang ở nhà thì có số điện thoại 816233925 giọng nam gọi đến tự xưng làm nhân viên ở Chi cục thuế tỉnh Bình Định. Nam thanh niên này hướng dẫn cài đặt, thay đổi định danh mã số thuế và  đề nghị chị H kết bạn Zalo đó hướng dẫn chị cài app về điện thoại, truy cập thân Zalo 
digibank.vietcombank.com.vn” và chị H đã đăng nhập số TK Vietcombank 0431000245668 và nhập mật khẩu. Tiếp đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển khoản phí số tiền 400.000 đồng. Đến sáng 17/5/2024, chị H đến Ngân hàng Vietcombank để sao kê tài khoản thì phát hiện tài khoản bị mất số tiền 158.118.000 đồng.

         
Trước tình hình trên, Công an tỉnh Bình Định khuyến cáo tất cả người dân phải nâng cao cảnh giác; tham gia tuyên truyền rộng rãi với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh. Người dân không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại và mạng internet (số điện thoại, số CCCD, địa chỉ nhà ở, tài khoản ngân hàng, đặc biệt là mã OTP…)  cho bất kỳ ai không quen biết, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Thuế…). Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân; không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng; không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết. Đặc biệt lưu ý, không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Cần cảnh giác đối với những lời mời, chào đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường. Khi nhận được thông tin đề nghị chuyển tiền trên mạng xã hội của người thân, bạn bè… cần gọi điện qua số điện thoại để xác minh.

Tác giả bài viết: Thành Long

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây