Chủ động, nêu gương, kỷ cương

Học tập phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay.

Thứ năm - 14/12/2023 22:01 22.172 0
Tình trạng tham ô, lãng phí, tiêu cực và tham nhũng tại Việt Nam diễn ra trong nhiều thập niên qua, xảy trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội và ở tất cả các ngành, các cấp. Tham nhũng, lãng phí đã gây ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước, là một trong “bốn nguy cơ” lớn, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt từ thời kỳ đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao công tác phòng, chống tham nhũng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến việc phòng ngừa, đấu tranh chống các biểu hiện tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng biểu hiện trực tiếp của tham nhũng là ăn cắp của công hay của Nhân dân làm của tư. Cán bộ bớt xén, tiêu ít mà khai nhiều; lợi dụng của công, của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương, đơn vị mình cũng là tham nhũng. Mặt khác, tham nhũng cũng gắn với các biểu hiện tiêu cực, chẳng hạn như một cán bộ được Chính phủ và Nhân dân trả lương hàng tháng nhưng lại thiếu trách nhiệm, đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, ăn cắp giờ của Chính phủ, của Nhân dân, không làm tròn nhiệm vụ theo chức trách của mình. Người sớm nhận diện và căn dặn cán bộ, đảng viên cần phòng, chống những biểu hiện tiêu cực như: địa phương chủ nghĩa, bè phái, quan liêu, hẹp hòi, ham chuộng hình thức, lối làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm, ích kỷ, hủ hóa,… Đó chính là những biểu hiện tiêu cực làm suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tha hóa đội ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước.        
         
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sự cần thiết và vai trò của việc nêu gương đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Nêu gương được Người coi là một trong những cách thức quan trọng để cán bộ, đảng viên phát huy trách nhiệm của mình trước Đảng và trước Nhân dân. Tư tưởng Người có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay.

         
Trong các bài nói, bài viết của mình, rất nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng từ “nêu gương”, “làm gương”. Điều đó cho thấy, Người rất coi trọng việc “nêu gương”, “làm gương” của tổ chức, lực lượng cách mạng và cá nhân trong xã hội. Theo Người, sở dĩ cần phải nêu gương là do đặc thù của nền văn hóa, đạo đức phương Đông luôn coi trọng tình cảm, luôn lấy cái tốt đẹp của người khác để làm tấm gương soi mình. Do đó, ngay từ khi bắt tay vào công tác huấn luyện cán bộ, Người đã luôn nhắc nhở mỗi cán bộ phải nêu cao tinh thần gương mẫu.

         
Trong xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, Người luôn căn dặn cán bộ phải nêu cao tinh thần “đầu tàu”, “gương mẫu” để phụng sự Đảng, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân bởi lẽ “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Chính mục đích lớn lao, cao đẹp đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức phấn đấu và rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm và gương mẫu.

         
Không chỉ nói về việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên nói chung; ngay từ lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh những cán bộ chủ chốt, cấp cao cần phải tiên phong trong việc nêu gương. Trong “Bài nói chuyện tại phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ” năm 1963, Người nhắc nhở: “Một điều rất quan trọng nữa là các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, phải giữ gìn tác phong gian khổ phấn đấu, phải không ngừng nâng cao chí khí cách mạng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Có như thế mới xứng đáng với đồng bào miền Nam đang chiến đấu vô cùng anh dũng chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng để giải phóng miền Nam và hòa bình thống nhất nước nhà. Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”.

         
Không chỉ nói đến nêu gương nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp nêu gương đạo đức. Người luôn căn dặn cần phải lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau, đây là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để nêu gương, trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên; về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Cách thức nêu gương theo Người là: “Cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu cho Nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới”, “Muốn người ta theo, mình phải làm gương trước, đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Theo Người, một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.

         
Một điều rất đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đưa ra những tư tưởng, quan điểm rất đúng đắn về nêu gương mà chính Người còn là hiện thân cao đẹp nhất về trách nhiệm nêu gương trước Đảng, trước Nhân dân. Phong cách nêu gương trong tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, phấn đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và vì Nhân dân của Người. Người không chỉ tiếp thu, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện lý luận về phương pháp, mà Người còn là hiện thân của phong cách nêu gương hết sức mẫu mực và tự nhiên. Chính bản thân Người là một tấm gương sáng về phong cách nêu gương, một hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. Một dẫn chứng cụ thể và cảm động nhất, có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất về phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc Người tiên phong đi đầu trong việc thực hành tiết kiệm, nhường cơm sẻ áo cho Nhân dân trong những năm tháng nước nhà rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

         
Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam được tiến hành đồng bộ, quyết liệt theo đúng phương châm “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”. Mục tiêu của việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta xác định rất rõ. Đó là đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính; góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của Nhân dân. Những kết quả to lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam thời gian qua, đã cho thấy quyết tâm rất lớn của toàn Đảng, toàn dân ta trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này.

         
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam thời gian tới vẫn tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức do tình trạng tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn khá nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này bắt nguồn từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người đứng đầu.

  
z4973887383614 b6d9756ec584cbbd71203e3eb18cd1d4
       
Để học tập phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách có hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay, cần chú trọng một số nội dung sau:

         
Một là,
 mỗi cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt quy định về trách nhiệm nêu gương để việc nêu gương trở thành nội dung bắt buộc. Để thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương thì cán bộ, đảng viên phải càng gương mẫu, nhất là người đứng đầu các cấp, người có chức vụ càng cao phải càng gương mẫu. Mỗi chi bộ, đơn vị cần xây dựng cách thức để kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả của thực hiện quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ nói chung và trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Tập trung vào 3 nội dung sau:

         
- Về tư tưởng chính trị: Mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác, gương mẫu, đi đầu trong quán triệt và bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng, đường lối đổi mới của Đảng. Kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của Nhà nước và Nhân dân.

         
- Về đạo đức, lối sống: Thực hiện nghiêm quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, sự phân công, điều động của tổ chức. Đi đầu thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, các quy chế, quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị và địa phương nơi cư trú. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống vụ lợi, thực dụng, cơ hội, ích kỷ, lợi ích nhóm. Thủ trưởng đơn vị gương mẫu không tham nhũng và đi đầu trong phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Sẵn sàng nhận, chịu trách nhiệm khi tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đồng thời kiên quyết sửa chữa.

         
- Về tác phong sinh hoạt và công tác, tự giác nêu gương: Có tác phong khiêm tốn, giản dị, sâu sát thực tế, gần gũi thấu hiểu tâm tư, giải quyết kịp thời nguyện vọng, lợi ích chính đáng của cấp dưới, nhân dân, quan tâm tới đồng nghiệp. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà cho Nhân dân.

         
Hai là
, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Cấp ủy các cấp, nhất là việc thực hiện thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 09/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư, trong đó phát huy vai trò giám sát, phản biện của báo chí, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân với việc thực hiện quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Đảng ta nhấn mạnh: “Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, kết hợp với việc phát huy vai trò giám sát của báo chí và Nhân dân với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”, “Thực hiện có hiệu quả việc giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt”. Thông qua đó, có thể kiểm soát, hạn chế tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên để tham ô, trục lợi hoặc có những biểu hiện tiêu cực.
         
Ba là
, bản thân các cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nêu cao trách nhiệm, danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên: “Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức cách mạng; tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

         
Bốn là, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên phải theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho cán bộ, đảng viên. Gắn công tác phòng, chống tham nhũng với phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ việc nêu gương của mỗi cá nhân hướng tới việc xây dựng tập thể nêu gương. Có như vậy, tình trạng tham nhũng, tiêu cực mới từng bước được đẩy lùi.

Tác giả bài viết: Tô Xuân Đông

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây