XD phong cách Bản lĩnh, nhân văn

Tiến tới kỷ niệm 59 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962-20/7/2021): Vài suy nghĩ về “cái tâm” của người cán bộ Cảnh sát điều tra.

Thứ sáu - 16/07/2021 15:23 751 0
Làm người phải lấy chữ Tâm làm đầu, cha ông ta thường răn dạy con cháu như vậy. Suy cho cùng, đạo đức, lẽ sống, phép “đối nhân xử thế” ở đời từ xưa đến nay cũng đều quy theo chữ Tâm, lấy chữ Tâm làm trọng.
        Hoạt động nghề nghiệp của lực lượng Cảnh sát nói chung và của người cán bộ Cảnh sát điều tra (Điều tra viên) nói riêng là sự hoạt động tuân thủ theo pháp luật, luôn gắn với quyền lợi cá nhân của con người, liên quan trực tiếp đến thân phận con người, vì vậy đòi hỏi người thừa hành nhiệm vụ phải hết sức thận trọng.
        Qua thực tiễn kiểm nghiệm, mô hình nhân cách của điều tra viên có thể phác hoạ theo khuôn mẫu: Có lập trường quan điểm vững vàng và lương tâm trong sáng; Tính nguyên tắc và lòng kiên trì; Tính ngay thẳng, lòng trung thực và sự quyết tâm; Kiến thức pháp luật, nghiệp vụ vững vàng. Ngoài những phẩm chất chính nêu trên, điều tra viên cũng cần phải nhạy bén, tinh thông và có khả năng cảm hoá thuyết  phục con người; khách quan, khéo léo trong việc sử dụng chứng cứ… và các kiến thức xã hội tổng hợp khác.
        Từ những quy chuẩn cần phải có nêu trên thì lương tâm trong sáng là một điểm hết sức quan trọng, đó chính là cốt cách làm người của mỗi điều tra viên.
        Được nhà nước giao quyền điều tra tội phạm, người cán bộ điều tra có quyền đề xuất áp dụng các biện pháp ngăn chặn như khởi tố vụ án, bắt, khám xét, tạm giữ, tạm giam; trực tiếp tiến hành các hoạt động điều tra như khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai, hỏi cung, lập hồ sơ kết luận về hành vi phạm tội… Như vậy, xét về mặt tổng quan thì quyền năng mà luật định cho điều tra viên là rất lớn; hay nói một cách khác, họ là những người có “quyền sinh, quyền sát”, bỡi lẽ, toàn bộ những hoạt động này đều liên quan trực tiếp đến những quyền lợi của mỗi con người. Chỉ cần điều tra viên có định kiến hoặc có một ấn tượng không tốt đối với đối tượng đang điều tra; tuỳ tiện, thiếu trung thực trong các hoạt động nghề nghiệp của mình theo những động cơ, mục đích khác nhau sẽ dẫn đến hậu quả: người không có tội hoặc không  đáng coi là có tội lại trở thành phạm tội; người phạm tội nhỏ có thể bị coi là lớn và bị đề nghị truy tố xét xử với mức án nặng, kẻ đáng bị xử lý nghiêm khắc trước pháp luật thì lại được miễn trách nhiệm hình sự; thậm chí có trường hợp vụ án bị bẻ ngược bản chất nôi dung đi theo những hành động chủ quan của người cán bộ điều tra. Nghĩa là: với “quền uy” của mình, điều tra viên có thể làm oan người vô tội, hoặc bỏ lọt kẻ phạm tội. Trong thực tiễn điều tra tội phạm, đã có nhiều trường hợp như vây...
        Người cán bộ điều tra cần phải phân biệt rõ người phạm tội là người có tội với pháp luật, có lỗi với nhân dân; còn đối với cá nhân điều tra viên thì họ vẫn có thể “bình đẳng” ngoài trách nhiệm phải khai báo đúng sự thật; vì vậy họ vẫn cần được xử thế theo đúng những quy định của pháp luật. Cần tôn trọng những quyền hợp pháp của con người, tôn trọng nhân cách của họ. Pháp luật nước ta nghiêm cấm việc đối xử tàn bạo hay ngược đãi người phạm tội, dùng nhục hình, bức cung, ép cung, thậm chí dùng lời lẽ thoá mạ nhân cách bị can, lấy thế là người “đại diện cho pháp luật” để răn đe, doạ nạt hoặc lừa dối, tạo ra những chứng cứ giả tạo buộc họ phải nhận tội… Những hành vi trên là biểu hiện của những hành động trái với lương tâm, thể hiện năng lực yếu kém, không những sẽ gây ấn tượng không tốt đối với bị can mà ngay đến thân nhân của họ cũng có ấn tượng không đẹp về người cán bộ điều tra. Nhiệm vụ của cán bộ điều tra là bằng những hoạt động nghiêp vụ theo luật định, bằng sự cảm hoá giáo dục của mình để đấu tranh hành vi phạm tội của bị can; bản kết luận điều tra đúng cũng là thể hiện nhiệm vụ của người cán bộ điều tra đã hoàn thành…
        Bảo vệ cho cán cân công lý được ngay thẳng, giữ cho phép nước được nghiêm minh, đó là một phần ở nhiệm vụ của người cán bộ điều tra. Hoạt động điều tra tội phạm với những tính chất hết sức phức tạp, đòi hỏi các điều tra viên phải tuân thủ những nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp của mình (một hoạt động độc lập nhưng luôn đòi hỏi tính sáng tạo), bên cạnh những quy định bắt buộc của pháp luật, của ngành, một mặt, phải hết sức khách quan, toàn diện, triệt để; mặt khác phải rất kiên quyết, không khoan nhượng, không thoả hiệp, nhượng bộ với những người phạm tội. Cũng do tính chất của hoạt động nghề nghiệp, đòi hỏi người điều tra viên phải thật sự kiên trì, nhẫn nại. Thực tiễn hoạt động điều tra chứng tỏ rằng nếu xa rời những nguyên tắc đã quy định và thiếu đức tính kiên trì thì người cán bộ điều tra sẽ phạm sai lầm, thoả hiệp với kẻ phạm tội, hoặc sẽ gây nên những oan khuất cho người vô tội.
        Điều tra viên cần phải năng động, sáng tạo linh hoạt ứng xử trong những tình huống mới nảy sinh. Phải tận tâm, tận lực, hết sức thận trọng, không để phạm sai lầm; bỡi lẽ, nếu phạm sai lầm trong hoạt động điều tra (dù là nhỏ) cũng có thể dẫn đến để lọt kẻ phạm tội, làm oan người ngay, thậm chí sẽ gây ra oán thù, ảnh hưởng xấu đến dư luận và cộng đồng. Phải giữ được cho mình tính công minh, chính trực, hành động theo lẽ phải, không bị tác động bỡi những “ngoại lực”. Trong khi tiến hành hoạt động điều tra có thể có lúc mắc sai lầm nhưng nếu phạm sai lầm do năng lực yếu kém thì khi nhận ra những sai lầm đó, phải biết đau xót, ân hận, phải biết suy nghĩ và hành động theo lương tâm để chuộc lại những sai lầm đã mắc. Khi thực thi công vụ, không nên duy ý chí, hoạt động một chiều chỉ dùng chứng cứ buộc tội, hoăc bằng khía cạnh lý lẽ thuần tuý để chứng minh mức độ của hành vi phạm tội, hoặc không phạm tội. Cán cân công lý phụ thuộc một phần ở cái tâm của người điều tra.
        Lấy nhân tâm thu phục lòng người,  lời răn dạy của người xưa luôn đúng trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trong hoạt động của người cán bộ điều tra trong tình hình hiện nay. Trong hoạt động nghề nghiêp của mình, bên cạnh những chứng cứ có sẵn, phải có kiến thức và trình độ văn hoá, biết vận dụng pháp luật kết hợp với vốn sống, trình độ hiểu biết để vận động, giáo dục, và quan trọng hơn là phải biết dùng tình cảm để cảm hoá, thuyết phục đối tượng khai báo và thú nhận những hành vi phạm tội của mình. Làm được như vậy thì người phạm tội mới “tâm phục khẩu phục”. Nếu dùng lý trí cứng nhắc để khuất phục tình cảm thì chỉ đạt được những mục đích trước mắt mà thôi. Bao Công của phủ Khai Phong nhà Tống chỉ áp dụng hình phạt khi nào kẻ phạm tội thật sự “tâm phục, khẩu phục”, để lại tiếng thơm muôn đời về công tác xử án cũng nhờ có cái tâm “quân pháp bất vị thân”, công minh, chính trực, khách quan, không để tình riêng lấn át việc chung, trở tấm gương sáng cho hậu thế vây.
        Nói tóm tại, trong hoạt động nghề nghiệp của mình, người cán bộ điều tra luôn tuân thủ theo pháp luật, song phải biết tôn thờ chữ đức, đề cao chữ nhân, biết lấy chữ tâm làm trọng. Phải biết hành động theo 6 điều dạy của Bác Hồ. Có như vậy mới bảo toàn được chữ Tâm, chữ Tín và suy cho cùng là mới vun trồng được chữ Đức để lại cho thế hệ sau

 

Tác giả bài viết: Trần Minh Phục

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây