65 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, trải qua nhiều thử thách cam go lúc thời chiến cũng như khi thời bình, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã trở thành một bộ phận quan trọng của lực lượng Công an nhân dân, lập nhiều chiến công xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ An ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, được Đảng bộ, nhân dân tin yêu, ghi nhận. Nối tiếp truyền thống vẻ vang của các thế hệ đàn anh, cán bộ chiến sỹ Phòng Cảnh sát kinh tế hôm nay luôn nỗ lực thi đua, lập được nhiều thành tích trong các mặt công tác.
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (02/9/1945), vấn đề đảm bảo an toàn các công trình công cộng, bảo vệ tài sản, bảo vệ kinh tế của đất nước phục vụ cuộc kháng chiến cứu quốc luôn được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản làm cơ sở pháp lý cho công tác phòng ngừa, đấu tranh chổng hành vi phá hoại chính sách về kinh tế như: sắc lệnh số 26/SL ngày 25/2/1946 quy định về truy tố các việc phá hoại công sản, phá hoại công trình thủy lợi, công trình giao thông, các công sở, kho tàng...; Sắc lệnh số 223/SL ngày 27/11/1946 quy định hình phạt tội đưa hối lộ cho công chức và tội công chức nhận hối lộ, phu lam, biển thủ công quỹ.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ (ngày 20/7/1954) được ký kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Công an nhân dân ở miền Bắc cùng với toàn dân bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa. Kinh tế - xã hội nước ta trong giai đoạn này đã có bước phát triển mạnh, khối lượng tài sản, vật tư hàng hóa ngày càng lớn, trong khi trình độ quản lý kinh tế còn rất hạn chế. Do đó, xuất hiện nạn tham ô, lãng phí gây cản trở việc khôi khục, cải tạo và xây dựng kinh tế của đất nước, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Trước tình hình trên, ngày 10/8/1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 1001/TTg xác định tổ chức ngành Cảnh sát nhân dân, trong đó ghi rõ: “Cảnh sát kinh tế phụ trách công tác bảo vệ công khai các nhà máy, hầm mỏ”. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự ra đời của lực lượng Cảnh sát kinh tế và ngày 10/8 được xác định là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Ngày 31/7/2006, Bộ Công an ban hành Quyết định số 899/2006/QĐ-Cl 1(C28) xác định “Ngày 10/8/1956 là ngày truyền thống của lực lượng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ” (nay là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu).
Năm 1958, trước yêu cầu thực tiễn của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ Công an đã quyết định thành lập lực lượng chuyên trách trong đấu tranh chống tội phạm kinh tế, đó là Cục bảo vệ kinh tế và ngày 10/5/1958, thành lập Phòng chống tham ô trong Vụ trị an dân cảnh. Đến ngày 29/9/1961, Chính phủ ban hành Nghị định số 1321/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công an, trong đó có Cục Bảo vệ kinh tế 1 và Cục Bảo vệ kinh tế 2. Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết số 32/CP, ngày 22/3/1973 về việc sửa đổi bộ máy tổ chức của Bộ Công an, trong đó, lực lượng bảo vệ kinh tế ở cấp Bộ gồm Cục Bảo vệ kinh tế 1, Cục Bảo vệ kinh tế 2, Cục Bảo vệ kinh tế 3, ở các Sở, Ty Công an là các Phòng bảo vệ kinh tế.
Thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-TW của Bộ Chính trị, ngày 12/6/1981, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 250/CP “Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Nội vụ ”(nay là Bộ Công an), trong Tổng Cục Cảnh sát có Cục Cảnh sát kinh tế (phiên hiệu C15), cấp tỉnh có Phòng Cảnh sát kinh tế (Phiên hiệu PC15). Tại Bình Định, tháng 8/1981, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định cho tổ chức thực hiện mô hình tổ chức mới của Công an tỉnh (theo đó lực lượng CSND gồm Ban Chỉ huy Cảnh sát và 11 Phòng, trong đó có Phòng Cảnh sát kinh tế (PC15) và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/8/1981. Quân số ban đầu gồm 20 đồng chí, có 03 lãnh đạo Phòng, được biên chế thành 05 đội, do đ/c Trịnh Ngọc Bửu làm Trưởng phòng.
Ngay sau khi mới được thành lập, tuy số lượng cán bộ chiến sỹ còn ít, công cụ phương tiện, trang bị chưa có gì nhưng với tinh thần nhiệt tình, ý thức trách nhiệm cao, cán bộ chiến sỹ lực lượng Cảnh sát kinh tế đã điều tra khám phá nhiều vụ án lớn như: vụ Phạm Toà, vụ tàu Tiền Giang bán dầu; vụ Tham ô tài sản xảy ra ở B5 Nam sông Vệ (công trình Thạch Nham); vụ Tham ô tại nhà máy Đường Quảng Ngãi… Trong 02 năm từ 1983 đến 1984 đã phối hợp phát hiện xử lý 543 vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, thu hồi tài sản thiệt hại cho Nhà nước trị giá trên 39 triệu đồng, làm giảm 7,25% tổng số vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa so với hai năm 1981 - 1982.
Năm 1999, nhiều chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng được Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa, trong đó, có Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) được ban hành trên cơ sở thay thế Luật thuế doanh thu, đã góp phần quan trọng trong tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đồng thời tạo cơ sở định hình một hệ thống thuế khóa Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện bộc lộ một số sơ hở, bất cập; Phòng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ lợi dụng sơ hở trong chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, xuất khẩu nông - thủy - hải sản, các đối tượng, doanh nghiệp đã tạo lập hồ sơ mua bán, xuất khẩu nông, thủy sản khống để lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của nhà nước hàng tỷ đồng, điển hình như vụ DNTN Nam Bình, Công ty TNHH Sơn Nam lừa đảo chiếm đọat tiền hoàn thuế GTGT...
Năm 2004, đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng của lực lượng Cảnh sát kinh tế khi triển khai thực hiện Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004. Cục Cảnh sát kinh tế đổi tên thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (phiên hiệu là C15), Phòng Cảnh sát kinh tế đổi tên thành Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (phiên hiệu là PC15), là một đơn vị trong Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, ngoài chức năng, nhiệm vụ được giao trước đây còn có chức năng, nhiệm vụ điều tra tố tụng các tội phạm xâm phạm TTQLKT và CV. Trong 02 năm đầu thực hiện Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự (2004 - 2005) lực lượng Cảnh sát kinh tế đã khởi tố, điều tra 11 vụ - 16 bị can với tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 1 tỷ đồng.
Tháng 8/2018, thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, Phòng CSĐT tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ được đổi tên thành Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (viết tắt là Phòng Cảnh sát kinh tế); cơ cấu, tổ chức bộ máy ngày căng được củng cố, rà soát sắp xếp để tinh gọn, hoạt động hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên.
Trải qua 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, từ những ngày đầu với 20 cán bộ chiến sỹ, đến nay lực lượng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Định đã có nhiều sự đổi thay, phát triển, hình thành một cơ cấu tổ chức vững mạnh; cấp tỉnh có Phòng Cảnh sát kinh tế, ở cấp huyện, lực lượng Cảnh sát kinh tế được bố trí chung Đội với các lực lượng khác (hình sự, ma túy, môi trường). Qua các thời kỳ, nhiều đồng chí công tác trong lực lượng Cảnh sát kinh tế đã được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo Công an tỉnh và lãnh đạo các đơn vị thuộc Công an tỉnh.
Trải qua nhiều giai đoạn, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã vượt qua muôn vàn gian nan, thử thách, phấn đấu vươn lên, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, gắn bó mật thiết với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, vì sự nghiệp của Đảng, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Với những chiến công, thành tích xuất sắc đạt được trong 40 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân lực lượng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an cùng các Bộ, Ngành, Chính quyền địa phương tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý; trong đó Phòng Cảnh sát kinh tế đã được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; UBND tỉnh, Bộ Công an, các Bộ ngành tặng nhiều Bằng khen cho tập thể Đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc và hàng trăm lượt cán bộ chiến sỹ được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen. Được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua “Vì ANTQ” năm 2000 và năm 2020, nhiều năm liền được công nhận Đơn vị Quyết thắng, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nội bộ thống nhất, đoàn kết.
Những chiến công, thành tích đạt được nêu trên của lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh trong quá trình hình thành, phát triển và trưởng thành là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an; cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cấp, các ngành và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân mà trực tiếp là sự chỉ đạo của Đảng uỷ, lãnh đạo Công an tỉnh.
Với tinh thần hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát kinh tế và 40 năm ngày thành lập Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Định, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua lập thành tích trong các mặt công tác nghiệp vụ, đồng thời tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao, giao lưu một cách thiết thực nhưng cũng đảm bảo tuyệt đối an toàn đối với công tác phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Qua đó, đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn đơn vị, động viên cán bộ chiến sỹ hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Định