XD phong cách Bản lĩnh, nhân văn

Tiến tới kỷ niệm 59 năm truyền thống lực lượng CSND (20/7/1962-20/7/2021): NGƯỜI CẢNH SÁT NHÂN DÂN PHẢI ĐẶT CHỮ “TÍN” LÊN HÀNG ĐẦU.

Thứ hai - 19/07/2021 17:07 1.085 0
Trong dân gian Việt Nam có câu “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Chứ “Tín” là sự tin cậy của mọi người xung quanh đối với một chủ thể nào đó, có thể là một cá nhân hoặc là một cơ quan, một tổ chức, một lực lượng. Sự tin cậy có ý nghĩa rất thiêng liêng, người được quần chúng tuyệt đối tin cậy có thể được xem là thần, thánh.
      Trong tiếng Hán Nôm xưa, chữ “Tín” được hợp thành bỡi chữ Nhân (là người) với chữ Ngôn (lời nói). Trong sách Minh Đạo gia huấn có dạy “Bằng hữu chỉ tín” (bạn bè phải đối xử với nhau bằng tín thực). Tin vào lời nói, lời hứa “chắc như đinh đóng cột”, không cần vàng bạc, của cải đảm bảo, bỡi chữ “Tín” quý hơn cả vàng. Trong từ điển Trung Quốc và Việt Nam xưa nay đều nêu chữ “Tín” với hai nét nghĩa. Nét thứ nhất là thành thực, không nói dối. Nét thứ hai là không bị hoài nghi và được người ta tin theo. Hai nét nghĩa này có quan hệ mật thiết với nhau, hễ một con người sống thật, không dối trá thì được mọi người tin tưởng. Con người mất đi chữ “Tín” sẽ phải sống trong hoài nghi, thiếu tin tưởng của mọi người xung quanh, của cộng đồng. Để có được chữ “Tín”, phải phấn đấu và thử thách trong một thời gian dài lâu, bằng chính đức hạnh và hành vi của mình chứ không phải bằng tiền bạc hay uy quyền.    
      Ngày nay, dưới tác động ảnh hưởng và sự chi phối khách quan từ nhiều  phía, trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và sự hội nhập thế giới, đa dạng hoá, đa  phương hoá với phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, các dân tộc”, chữ “Tín” bao hàm thêm những nội dung mới như sự tin cậy lẫn nhau trong hợp tác quốc tế, trong đầu tư sản xuất kinh doanh… giữa các cộng đồng người, giữa các quốc gia, dân tộc với nhau. Các nhà sản xuất, các doanh nghiệp hiện đang nêu “trọng chữ Tín hơn vàng” hay “Uy tín, chất lượng, bảo đảm’… cũng là vì lẽ ấy.
      Trong lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với vai trò là Đảng cầm quyền, Đảng CSVN càng coi trọng việc nâng cao chữ “Tín” đối với nhân dân để nhân dân tin tưởng, đoàn kết đi theo Đảng. Trước yêu cầu mới, Đảng có nhiều Nghị quyết về đổi mới chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng, phòng chống suy thoái, “tự diễn biến”, tự chuyển hóa”; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng… Những chủ trương ấy đi vào đời sống xã hội, về thực chất là nhằm làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có được chữ “Tín”, củng cố và nâng cao uy tín trước nhân dân. Bỡi vậy chữ “Tín” của mỗi công chức, viên chức Nhà nước, mỗi cán bộ chiến sỹ trong lực lượng Công an càng có vị trí quan trọng.
      Thực hiện nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó, 59 năm qua trên mọi lĩnh vực công tác, cán bộ chiến sỹ Cảnh sát nhân dân (CSND) đã noi gương Bác Hồ, học tập là làm theo 6 điều dạy của Bác. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, lực lượng CSND đã kế tục xứng đáng truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường của nhân dân ta. Biết bao tấm gương của các tập thể, cá nhân từ chiến đấu dũng cảm, dám xả thân vì nghĩa lớn đến những việc làm thiết thực hàng ngày phục vụ nhân dân tránh bom đạn tàn khốc của quân thù đã góp phần khẳng định niềm tin lớn của lực lượng CSND. Chữ “Tín” được tô đậm trong tâm thức mỗi người dân khi nghĩ về hình ảnh người Cảnh sát. Quần chúng nhân dân coi chiến sỹ cảnh sát như người ruột thịt của mình. Cuộc sống của người cảnh sát bình dị gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người dân; dân tin yêu, dân gửi gắm nỗi niềm và phó thác sự lo âu của mình cho cảnh sát, cảnh sát như là chuẩn mực trong cuộc sống của người dân.
      Thời kỳ đất nước bước vào cơ chế kinh tế thị trường, bên cạnh mặt mạnh, mặt tích cực cũng nảy sinh những tiêu cực, nhức nhối. Trong xã hội xuất hiện nhiều ý nghĩ mới trái chiều, nhiều quan niệm truyền thống bị đánh giá lệch lạc, thậm chí có vấn đề vốn từ lâu đã trở thành nguyên lý cũng bị một số người hoài nghi, ngờ vực. Những biến đổi về kinh tế – xã hội đã hàng ngày, hàng giờ tác động đến tâm tư, tình cảm và đời sống làm cho một số cán bộ chiến sỹ Cảnh sát nhân dân có những thiếu sót, thậm chí sai phạm nghiêm trọng dẫn đến uy tín của người cảnh sát trong tâm thức người dân có phần bị giảm sút. Một bộ phận cán bộ chiến sỹ tuy không lớn đã có những suy nghĩ, nhận thức lệch lạc về vị trí trách nhiệm; tôn vinh vai trò cá nhân; bằng lòng, say sưa với thành tích trong quá khứ, thậm chí bằng mọi cách tạo dựng quyền uy… dẫn đến vô ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm thấp, hách dịch, sách nhiễu, thiếu tôn trọng khi tiếp xúc với nhân dân, hứa nhưng không làm, đòi và nhận hối lộ, thờ ơ trước những yêu cầu chính đáng của nhân dân… là một điều day dứt, là khuyết điểm lớn. Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thống tin, nhất là mạng xã hội không có bờ bến, đã tạo môi trường tốt cho việc quảng  bá hình ảnh tốt đẹp của người chiến sỹ CAND nói chung, trong đó có lực lượng CSND trong mọi lĩnh vực, nhưng đồng thời cũng là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch và kẻ xấu tăng cường xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, tô đen hình ảnh của người chiến sỹ CSND và lực lượng CAND. Nếu không kiên quyết giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, không thường xuyên “tự soi, tự sửa” thì chỉ cần một sai sót nhỏ do thiếu bình tĩnh, thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh của người chiến sỹ khi tiếp xúc, ứng xử, giải quyết công việc với nhân dân, với đối tượng cũng sẽ trở thành cái cớ cho kẻ xâu tuyên truyền bôi nhọ làm mất uy tín của lực lượng CAND.
      Hoạt động nghề nghiệp của CSND là hoạt động thực thi pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân. Dưới tác động mạnh từ mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, thêm vào đó là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, việc tuyên truyền giáo dục pháp luật còn có những hạn chế, trình độ dân trí chưa cao… Do vậy, việc hướng cho quần chúng tuân thủ pháp luật và đảm bảo nguyên tắc hoạt động của lực lượng CSND chịu sự giám sát của nhân dân – cơ sở của việc củng cố, nâng cao chữ “Tín” của lực lượng CSND là vấn đề rất quan trọng.
      Chúng ta đều biết, chữ “Tín” là một ý niệm hình thành trong tâm thức của nhân dân ta từ bao đời nay. Thứ “Luật bất thành văn” này đã trở thành lẽ sống, thành đạo lý cho mọi người, là chuẩn mực để đánh giá về phẩm chất đạo đức và tư cách con người. Chữ “Tín” không có quyền uy như luật pháp mà chỉ tồn tại trong ý thức con người, nhưng chữ “Tín” đóng một vai trò “quyết định” đến việc đánh giá, nhận xét về con người (một sự bất tín, vạn sự bất tin). Rõ ràng là trong ăn ở, đối nhân xử thế của con người, cao nhất là chữ “Tín”.
      Để xây dựng, củng cố và nâng cao uy tín trong tình nhiệm vụ hiện nay, trước hết, cần coi trọng hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống và tác phong công tác “lễ phép với nhân dân” cho cán bộ chiến sỹ. Đồng thời đầu tư nghiên cứu cải tiến, đổi mới lề lối làm việc, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ, bảo đảm giải quyết nhanh nhất, tốt nhất yêu cầu của nhân dân. Những sai sót do lỗi sơ hở của cán bộ cảnh sát gây ra thì phải xin lỗi nhân dân và nhanh chóng khắc phục, tránh gây phiền hà, đi lại nhiều lần cho người dân.
      Cán bộ chiến sỹ lực lượng CSND cần tích cực học tập nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và hiểu biết xã hội. Từng cán bộ chiến sỹ phải nắm vững chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của mình, của lực lượng CSND. Một khi đã tinh thông nghiệp vụ, vững về pháp luật, có năng lực nhận biết, lý giải thực tiễn nhiều vẻ của xã hội, xác định được chỉ giới hoạt động của mình, người cảnh sát sẽ tự tin hơn trong quá trình thực thi nhiệm vụ và do vậy hiệu quả công tác và chữ “Tín” sẽ cao hơn.
      Mặt khác, lãnh đạo Công an các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình để giáo dục, chấn chỉnh kịp thời  những sai sót, khuyết điểm của cán bộ  từ thái độ, phong cách, lề lối làm việc đến quan hệ tiếp xúc với nhân dân, nhất là số cán bộ chiến sỹ thường  phải công tác lẻ, xuống địa bàn cơ sở giải quyết công việc hàng ngày liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân; kể cả nắm tình hình ở địa phương nơi cán bộ chiến sỹ cư trú. Thường xuyên chú trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng toàn diện cho lực lượng công an chính quy mới được bố trí giữ các chức danh công an xã, vì đây lực lực lượng trực tiếp nhất làm việc với nhân dân.
      Lê-nin từng dạy: người cán bộ cách mạng  phải giành lấy uy tín tuyệt đối trong quần chúng bằng chính đạo đức, tư tưởng,  hành động thực tế của mình. Vì thế người cán bộ CSND cần phải làm việc theo đúng chức trách, thẩm quyền được giao; không lấn sân, làm thay dễ sai phạm; gương mẫu thực hiện pháp luật ở mọi lúc, mọi nơi. Làm việc theo quy chế, quy trình, có trách nhiệm cao, nhiệt tình, tận tuỵ và sáng tạo, phải giữ trọn lời hứa với nhân dân. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải công bằng, khách quan, trung thực; không phân biệt giàu nghèo, nghề nghiệp; không tính toán giá  trị thiệt hại lớn hay nhỏ để làm hay bỏ qua. Không đặt điều kiện, không gợi ý đòi, nhận hoặc môi giới hối lộ. Những hành vi ấy trái với bản chất của người CSND và chỉ làm tổn hại đến uy tín của lực lượng Cảnh sát, lực lượng CAND.
      Như vậy, người Cảnh sát nhân dân muốn giữ được chữ “Tín” và nâng cao uy tín phải sống trung thực, chăm chỉ, tích cực làm việc (cần); giản dị, không lãng phí xa  hoa (Kiệm); có ước mơ, nguyện vọng và tâm hồn trong sáng (Liêm); ngay thẳng, công bằng (Chính); yêu thương con người, yêu thương nhân dân (Nhân); có lẽ phải (Nghĩa); hiểu biết luật pháp, tinh thông nghiệp vụ, dồi dào vốn sống (Trí). Phải lo trước dân, vui sau dân để có và giữ được chữ “Tín” trong lòng nhân dân.

Tác giả bài viết: Trần Minh Phục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây