Theo số liệu thống kê của Sở Công thương tỉnh Bình Định, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 12 siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) và 180 chợ các loại lớn nhỏ, khác nhau. Đây cũng chính là một trong những loại hình cơ sở được xếp loại đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ. Thực tế trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra rất nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Điển hình trong năm 2019, xảy ra 03 vụ cháy chợ gây thiệt hại nghiêm trọng như: Vụ cháy Chợ Cây Xăng (phường Quang Trung, Tp.Quy Nhơn) thiệt hại gần 06 tỷ đồng, vụ cháy Chợ Mộc Bài (TT.Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) thiệt hại hơn 35 tỷ đồng và vụ cháy Chợ cá Hải Cảng (phường Hải Cảng, Tp.Quy Nhơn) thiệt hại 12 ki-ốt với tổng diện tích 155,04 m2.
Qua phân tích, tìm hiểu nguyên nhân của các vụ cháy lớn tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng, cho thấy thời gian các vụ cháy đa phần xảy ra ban đêm và ngoài giờ hoạt động của chợ; nguyên nhân chủ yếu do hệ thống điện, sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và do sử dụng lửa trần, đốt hương thờ cúng trong chợ. Ngoài sự thiếu ý thức, kiến thức PCCC của người dân, người kinh doanh buôn bán trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại thì điều đáng nói là nhiều cơ quan chủ quản, ban quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC, thiếu sự quan tâm hoặc coi nhẹ công tác PCCC, thậm chí cố tình vi phạm quy định PCCC, hoặc có thái độ phó mặc cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Tết Nguyên đán cận kề là thời điểm nhu cầu mua sắm bắt đầu nhộn nhịp, đặc biệt là tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, các tiểu thương ở các điểm chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đều dự trữ khá lớn lượng hàng hóa. Điều này làm gia tăng nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Do đó, việc tích cực kiểm tra, tăng cường tuyên truyền là những biện pháp được các lực lượng chức năng tích cực triển khai thực hiện để đảm bảo cao nhất an toàn cháy, nổ thời gian trước, trong và sau Tết Tân Sửu 2021.
Nhằm chủ động PCCC thời gian trước, trong và sau Tết Tân Sửu 2021,tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại cần tập trung một số giải pháp sau:
1. Đối với cơ quan chủ quản:
Phải đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC đối với chợ, siêu thị, trung tâm thương mại như đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng đối với hệ thống điện, báo cháy, chữa cháy, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nước chữa cháy... Đồng thời phải có các biện pháp khắc phục kịp thời những thiếu sót, sơ hở có thể dẫn đến cháy, nổ.Ngoài ra, cũng phải đảm bảo nguồn kinh phí để tổ chức và duy trì hoạt động của lực lượng, phương tiện PCCC tại chỗ.
2. Đối với Ban quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức PCCC cho các hộ kinh doanh, khách mua hàng, tham quan thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ, các đoạn video tuyên truyền nguyên nhân gây cháy, cách phòng tránh và xử lý khi có cháy xảy ra; thường xuyên nhắc nhở công tác đảm bảo an toàn PCCC, nhất là vào giờ cao điểm có đông khách và khi chợ, siêu thị, trung tâm thương mại sắp đóng cửa.
- Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về an toàn PCCC. Trong đó, chú trọng việc quản lý chặt chẽ các loại hàng hóa dễ cháy nổ, các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; đảm bảo điều kiện an toàn PCCC trong quá trình hoạt động. Trong đó, tăng cường kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương và nhân viên đang kinh doanh, làm việc trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại thực hiện nghiêm các quy định về PCCC.
- Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương trong thời điểm kinh doanh phải bố trí, sắp xếp hàng hóa trong quầy, sạp, ki-ốt, lô đúng phạm vi đã được quy định; không để hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lối đi; phải đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC và điều kiện thoát nạn trong trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ.
3. Đối với khu vực giữ xe ở các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại, phải sắp xếp xe ô tô, xe gắn máy thành các hàng, dãy đảm bảo điều kiện an toàn về đường, lối thoát nạn, khoảng cách an toàn PCCC. Niêm yết bảng nội quy, tiêu lệnh PCCC, bảng cấm lửa, cấm hút thuốc, trang bị phương tiện PCCC tại chỗ theo quy định. Không sắp xếp các phương tiện gần các tủ điện, thiết bị điện (cách tối thiểu 0,5m).
4.Trong các kho chứa hàng phải sắp xếp hàng hóa ngăn nắp, đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC và thoát nạn, ngăn cháy, chống cháy lan; đảm bảo điều kiện an toàn trong việc xuất nhập hàng hóa và trong việc sử dụng điện. Hệ thống điện trong kho phải đảm bảo kín, đường dây dẫn điện phải đi trong ống ghen bảo vệ; bóng đèn điện phải được chụp kín bằng vật liệu không cháy; tủ điện, bảng điện phải được lắp đặt bên mặt tường ngoài của kho bằng vật liệu không cháy. Tuyệt đối không đốt hương, thờ cúng, đun nấu trong khu vực kho.
5. Hệ thống điện trong các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại phải được tách riêng thành 3 hệ thống riêng biệt từ tủ điện chính: hệ thống điện kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng, bảo vệ và hệ thống điện PCCC (hệ thống điện cho máy bơm chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn). Khi hết giờ hoạt động phải ngắt nguồn điện của hệ thống điện kinh doanh từ tủ điện chính. Mỗi sạp, ki-ốt, lô hàng phải có aptomat riêng, đường dây dẫn điện trong các nơi này phải đi trong ống bảo vệ chống cháy, khi ra về phải ngắt aptomat đảm bảo an toàn.
6. Xây dựng và tổ chức cho lực lượng PCCC và CNCH cơ sở tự thực tập các tình huống cháy lớn, phức tạp trong phương án chữa cháy và phương án cứu nạn, cứu hộ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời phân công lực lượng PCCC và CNCH tại chỗ tăng cường tuần tra, kiểm tra, ứng trực để kịp thời ngăn chặn và xử lý hiệu quả khi có sự cố về cháy, nổ xảy ra nhất là vào ban đêm, ngày nghỉ.
Hồng Cơ