Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ hai - 20/11/2023 11:034630
Phải chịu hình phạt tù - những người phạm tội thường nhiều mặc cảm và tự ti nên rất cần sự cảm thông, sẻ chia, gần gũi của gia đình, người thân và cán bộ Trại giam để thêm an tâm, cải tạo sớm hoàn lương.
Chứng kiến sự trùng phùng vui vẻ của mẹ con bà Hồ Thị Thu Thủy (thị xã Hoài Nhơn, mẹ phạm nhân Huỳnh Tấn Nhất, phạm tội giết người), ít ai biết đã có thời gian dài bà bị con trai oán giận, xa lánh, vì nghĩ do bà nên bản thân mới đi tù. Bà Thủy, chia sẻ: Hơn 17 năm trước, gia đình mở quán nhậu, nên đã gọi con trai từ thành phố Hồ Chí Minh về phụ giúp và trong 01 lần thấy khách gây sự với mẹ, Nhất đã đứng ra bênh vực, trong lúc đôi co đã dùng dao đâm chết 01 người. “Thời gian đầu, cháu trách giận tôi, vì nếu tôi không gọi cháu về thì tương lai cháu đã khác, cả gia đình khi đó rất bế tắt… nhưng giờ đã khác, Nhất được làm tổ trưởng, nhiều lần được xét giảm án, giờ mẹ con tôi chỉ mong ngày trở về thôi” bà Thủy phấn khởi.
Tiếp lời mẹ, phạm nhân Nhất kể thêm, mặc dù tôi không nhận điện thoại, không gặp mặt, nhưng mẹ cứ đều đặn gửi thư cho tôi, rồi cán bộ Trại động viên, tôi bắt đầu đọc thư mẹ gửi, cứ thế mọi khúc mắc, buồn giận dần được xóa bỏ. “Gia đình luôn là chỗ dựa cho chúng tôi, sự quan tâm, chia sẻ của người thân như sức mạnh giúp những người như tôi - từng nghĩ tất cả đã kết thúc lấy lại niềm tin. Mẹ chính là nguồn động viên lớn giúp tôi cố gắng cải tạo mỗi ngày” phạm nhân Nhất nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thinh (huyện Tây Sơn), cũng không giấu được xúc động sau hơn 02 năm ông mới cùng ngồi dùng cơm với đứa cháu đích tôn của mình. Được cháu trai gắp thức ăn, rồi nghe cháu trai khoe thành tích cải tạo của mình, ông Thinh liên tục nở nụ cười hiền rồi xoa đầu cháu. “Gia đình đặt nhiều hy vọng vào cháu lắm, vậy rồi cháu phạm tội khi đang đợi ngày thi tốt nghiệp THPT. Khổ đau lắm, nhưng thấy cháu cải tạo được xếp loại tốt, tôi mừng và cũng thấy vinh dự. Vì, có rất nhiều phạm nhân đang cải tạo ở đây, nhưng bữa cơm đoàn viên này chỉ có 21 phạm nhân và gia đình tôi là 01 trong số đó, nên dù sức khỏe yếu tôi vẫn gắng đi để động viên cháu” ông Thinh chia sẻ.
Thay vì thưởng thức các món ăn do Trại nấu và con gái mang vào, nữ phạm nhân Hoàng Thị Ngọc Hà (tỉnh Quảng Ngãi) lại tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi này để thủ thỉ và gắp đồ ăn cho 02 con của mình. Bởi với chị: “Thiếu vòng tay mẹ là thiệt thòi của các con, để làm tròn trách nhiệm của người mẹ, là chỗ dựa cho gia đình, tôi chỉ biết cố gắng cải tạo thật tốt” phạm nhân Hà chia sẻ. Trong không khí đoàn viên, các gia đình dường như quên đi cái nóng bức của buổi trưa vùng trung du. Họ rôm rả trò chuyện, thăm hỏi, động viên và nói với nhau những điều mới mẻ, dự tính tương lai...
Thời gian qua, Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ Trại giam Kim Sơn - Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với thân nhân gia đình phạm nhân trong việc giáo dục cảm hóa, giúp phạm nhân an tâm tư tưởng, tích cực, nỗ lực phấn đấu thi đua chấp hành tốt án phạt tù. Trại luôn quan tâm, chú trọng đến công tác giáo dục pháp luật, đạo đức công dân, học tập văn hóa, học nghề, phổ biến thông tin thời sự, chính sách cho phạm nhân... Hàng năm, tỷ lệ phạm nhân được đánh giá, xếp loại thi đua cải tạo khá, tốt đều tăng; tỉ lệ phạm nhân vi phạm nội quy chỉ chiếm tỷ lệ thấp.
Đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị Trại giam Kim Sơn - Bộ Công an, cho biết, phạm nhân chấp hành án có nhiều loại tội, ở nhiều tỉnh, thành, một số phạm nhân có tiền sử sử dụng ma túy, rối loạn hành vi, có mức án cao, nhiều tiền án và thiếu sự quan tâm từ thân nhân, có tư tưởng tiêu cực nên thường xuyên chống đối lao động, vi phạm nội quy. Do đó, chúng tôi tập trung chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ thực hiện mô hình giáo dục nhiều cấp, nhiều lực lượng tham gia gồm quản giáo, giáo dục, trinh sát và phân công cán bộ thường xuyên gặp gỡ, tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp giáo dục phù hợp và gia đình luôn là liệu pháp tối ưu để chúng tôi cùng phối hợp nhằm chuyển biến tư tưởng phạm.