Logo CAND

Bình Định tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo AN-TT tại địa phương.

Chủ nhật - 26/03/2023 08:49 493 0
Trong cuộc sống thường ngày, do khác nhau về quan niệm sống, nhận thức, tình cảm, lợi ích kinh tế… việc nảy sinh mâu thuẫn tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giữa các hộ gia đình, giữa các cá nhân trong cộng đồng dân cư là điều khó tránh khỏi. Những mâu thuẫn, va chạm trong cuộc sống nếu không được quan tâm giải quyết kịp thời có thể trở nên căng thẳng, phức tạp, thậm chí là nguyên nhân và điều kiện để phát sinh các loại tội phạm như: Giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản... hay là nguyên nhân phát sinh những “điểm nóng” về khiếu kiện, khiếu nại. Vì vậy, công tác hòa giải ở cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo AN-TT ở địa bàn cơ sở.
Hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Hòa giải ở cơ sở không những góp phần giải quyết kịp thời các vi phạm pháp luật và mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư mà còn là phương thức phổ biến pháp luật thiết thực, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của Nhân dân.
         
Nhận thức về tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở
, trong những gian qua, các sở, ngành, hội đoàn thể, thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, chủ trì Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh; qua đó, chỉ đạo các địa phương rà soát, kiện toàn các tổ hòa giải đảm bảo đúng theo quy định; tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”.
3 640x413
Sở Tư pháp tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho Hòa giải viên năm 2022
Về đội ngũ tập huấn viên, hiện có 05 tập huấn viên của Sở Tư pháp được UBND tỉnh công nhận. Các huyện, thị xã, thành phố cũng đã thành lập đội ngũ tập huấn viên cấp huyện với thành phần gồm lãnh đạo Phòng Tư pháp, lãnh đạo các hội đoàn thể và phòng, ban có liên quan (trung bình 6 người/đơn vị cấp huyện). Đội ngũ này thường xuyên được cung cấp tài liệu pháp luật cũng như tài liệu về nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở.

Về đội ngũ hòa giải viên, tỉnh Bình Định đã quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo củng cố và kiện toàn về tổ chức và hoạt động của 1.121 tổ hòa giải với 8.272 hòa giải viên tại khắp các địa phương trong tỉnh. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần giải quyết những mâu thuẫn, vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc, đoàn kết trong từng gia đình, cộng đồng dân cư. Họ được đánh giá là người “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cũng được chú trọng, với trung bình 06 Hội nghị tập huấn mỗi năm cho các hòa giải viên và thành viên nhóm nòng cốt ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở đã được Sở Tư pháp ban hành. Sở Tư pháp chủ động biên soạn định kỳ Bản tin tư pháp, tài liệu Hỏi - đáp pháp luật về các văn bản pháp luật mới, những nội dung pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống Nhân dân như: pháp luật về tố cáo; tố tụng dân sự; về đất đai; phòng, chống tác hại của rượu, bia; về hòa giải, đối thoại tại tòa án; hôn nhân và gia đình... Đặc biệt năm 2021, Sở Tư pháp đã phát hành 5.000 tập tài liệu tình huống giải đáp pháp luật về hòa giải ở cơ sở (gồm 50 tình huống thường gặp trong công tác hòa giải ở cơ sở). Những tình huống này mang tính chất tham khảo, được hướng dẫn giải quyết với 03 nội dung: Xác định nguyên nhân mâu thuẫn, căn cứ pháp lý và hướng giải quyết. Trong quá trình thực hiện hòa giải ở cơ sở, tùy từng vụ việc cụ thể, tình hình thực tiễn, hòa giải viên có thể vận dụng những nội dung này, kết hợp vận dụng truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc để hòa giải vụ việc đạt kết quả tốt nhất. Các tài liệu này được phát hành miễn phí đến UBND cấp xã, các thôn trên địa bàn tỉnh.
         
Toàn bộ các Tài liệu Hỏi - đáp pháp luật Bộ tài liệu tập huấn mẫu kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên được đăng tải trên Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và thông báo trực tiếp tại các Hội nghị tập huấn hoặc bằng văn bản cho các hòa giải viên biết, tra cứu, tham khảo, để chuyển tải những tài liệu đến tay người đọc gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả, sử dụng.
 
1 544x436
Chánh án TAND tỉnh Bình Định - Lê Văn Thường trao Quyết định bổ nhiệm cho các Hòa giải viên (tháng 12/2022)
Các tổ hòa giải đã phát huy hiệu quả, trong năm 2022 đã tiếp nhận, giải quyết các vụ việc mâu thuẫn ở địa bàn dân cư đúng quy định Luật Hòa giải ở cơ sở; 1.121 tổ hòa giải đã tiếp nhận 1.486 vụ việc; hòa giải thành công 1.141 vụ, việc, đạt tỷ lệ 76,8%; những vụ việc còn lại đang xác minh, hòa giải. Trong đó các cấp Hội Phụ nữ cơ sở phối hợp Ban hòa giải địa phương hòa giải thành công 96 vụ mâu thuẫn; lên tiếng, phối hợp giải quyết 09 trường hợp liên quan bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em... Qua đó đã góp phần giải quyết ổn định các vụ việc phức tạp về AN-TT ngay từ đầu và tại cơ sở.
2 640x411
Bà Linh (trái) tích cực động viên chị em chia sẻ khúc mắc để kịp thời “gỡ rối”, hòa giải. Ảnh: D.L (Báo Bình Định)
Bên cạnh đó, thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, các hòa giải viên đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Đây là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực, mang lại hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh. Nhiều mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đang phát huy hiệu quả trên địa bàn tỉnh như:

- Tổ chức Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” dưới hình thức sân khấu hóa nhằm tạo diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và nhân dân về vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở và tuyên truyền các kiến thức pháp luật về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội một cách sinh động, thu hút đông đảo Nhân dân theo dõi. Đặc biệt năm 2019, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” và được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Bình Định.

- Xây dựng thí điểm mô hình Tổ hòa giải “03 tốt - 3 sẵn sàng” trên địa bàn xã Phước Quang, Phước Sơn, Phước Nghĩa của huyện Tuy Phước. Đây là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả và cần được nhân rộng trong thời gian đến. Với nội dung Tiêu chí “3 tốt” gồm: Tuyên truyền tốt - Chuẩn bị tốt - Phối hợp tốt; Tiêu chí “3 sẵn sàng” gồm: Sẵn sàng cho công tác hòa giải ở cơ sở - Sẵn sàng tham gia hòa giải - Sẵn sàng hòa giải thành. Qua triển khai thực hiện mô hình này tại địa phương cho thấy, tỷ lệ hòa giải thành ngày càng cao; việc củng cố, kiện toàn tổ hòa giải được thực hiện thường xuyên; việc bố trí nguồn lực cho công tác hòa giải ở cơ sở được quan tâm; công tác khen thưởng cho hòa giải viên được chú trọng; thu hút được nhiều người tự nguyện tham gia vào hoạt động có ý nghĩa này. Nhờ triển khai mô hình, công tác hòa giải ở cơ sở đi vào nền nếp, quá trình thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên Mặt trận và Nhân dân trên địa bàn tham gia. Hòa giải viên phát huy được năng lực, trách nhiệm; vị trí, vai trò của của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định và được đón nhận trong cộng đồng dân cư. Việc lựa chọn hòa giải viên được chú ý hơn về năng lực, uy tín đã phát huy được nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả. Qua công tác hòa giải ở cơ sở đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, năm 2022, đã có 03 hòa giải viên ở cơ sở có thành tích xuất sắc được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

- Trong hoạt động tập huấn cho hòa giải viên, Sở Tư pháp đã áp dụng và triển khai thường xuyên hình thức tuyên truyền miệng trực tiếp kết hợp biểu diễn tiểu phẩm về hòa giải ngay tại Hội nghị tập huấn. Với nội dung kịch bản tình huống đã được Phòng Tư pháp địa phương hướng dẫn xây dựng, Sở Tư pháp duyệt và do trực tiếp các hòa giải viên ở cơ sở luyện tập và biểu diễn. Qua đó, báo cáo viên sẽ tiếp tục hướng dẫn thảo luận, các hòa giải viên đề xuất phương án xử lý tình huống tối ưu, hợp tình, hợp lý và theo đúng quy định của pháp luật. Thông qua việc đổi mới phương thức tập huấn đã tạo cho các hòa giải viên tập trung, hứng thú trong việc tiếp nhận thông tin, tham gia cùng với báo cáo viên giải quyết vấn đề một cách nhiệt tình, sôi nổi, đề xuất nhiều cách giải quyết hay, hiệu quả giúp cho đối tượng tham gia học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu.
         
V
iệc nâng cao chất lượng, hiệu quả ca công tác hòa giải ở cơ sở và xây dựng mô hình điển hình tiên tiến trong công tác hòa giải trở thành một trong những tiêu chí bắt buộc trong quá trình thẩm định, công nhận cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Thời gian đến, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu nhiều giải pháp, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương để công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy được hiệu quả, để người dân tìm đến tổ hòa giải như là một địa chỉ tin cậy, là biện pháp giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp mà vẫn giữ được tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình, góp phần trong việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tác giả bài viết: Khương My

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây