Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ ba - 20/08/2024 09:31500
Thời gian qua, cùng với các cấp, các ngành, Công an huyện Phù Cát đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần nâng cao ý thức của bà con ngư dân việc chấp hành pháp luật trong khi hành nghề, góp phần tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” IUU.
Cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát là Cảng cá loại II, nơi mua bán hải sản, tránh trú bão của hàng trăm tàu, thuyền lớn nhỏ tại địa phương và các vùng lân cận. Theo thống kê, tổng số tàu cá của huyện Phù Cát đăng ký là 688 tàu, trong đó 430 tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên. Thời gian qua, hầu hết tàu cá của địa phương chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi hành nghề trên biển, song một số ít tàu thuyền không tự giác chấp hành mà vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản bất hợp pháp. Hành vi trên đã góp phần dẫn đến việc ngành thủy sản nước ta bị Ủy ban Châu Âu cảnh báo “Thẻ vàng”, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy hải sản.
Đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu dự kiến vào tháng 10/2024 là thời điểm quyết định để Việt Nam tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024. Trước tình hình trên, cả hệ thống chính trị đã và đang nỗ lực hết sức mình góp phần tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”. Với tinh thần đó, những ngày qua, Công an huyện Phù Cát và Đồn Biên phòng Cát Khánh đã phối hợp chặt chẽ với nhau cùng thực hiện các biện pháp cần thiết theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thiếu tá Nguyễn Thành Tín, Phó trưởng Công an xã Cát Khánh cho biết: “Chúng tôi xác định trách nhiệm của mình trong việc góp phần tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” nên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con ngư dân hiểu và chấp hành, đặc biệt là phải nắm rõ Nghị quyết số 04 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao”.
Từ cuối tháng 6/2024, ngay khi Nghị quyết số 04 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về việc áp dụng chế tài hình sự đối với một số hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp được ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/8, lực lượng Công an huyện Phù Cát đã chủ động phối hợp với Đồn Biên phòng và Ban Quản lý Cảng cá triển khai công tác thông tin, tuyên truyền đến với ngư dân, nhất là các chủ tàu thuyền, thuyền trưởng tàu cá đánh bắt xa bờ. Điều đáng mừng là qua các phương tiện thông tin truyền thông, hầu hết ngư dân đã nắm rõ tinh thần của Nghị quyết số 04. Tuy nhiên, cụ thể từng hành vi vi phạm và chế tài hình sự mà Nghị quyết số 04 áp dụng thì một số ngư dân còn chưa nắm rõ. Do vậy, lực lượng Công an và ngành chức năng đã phát tờ rơi có in những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để ngư dân hiểu rõ hơn, từ đó nghiêm túc chấp hành.
Ông Trần Trung Trinh, chủ tàu cá đang neo đậu tại Cảng cá Đề Gi cho biết: “Bản thân chúng tôi thường xuyên được cán bộ Biên phòng và Công an huyện, Công an xã tuyên truyền nên cũng ý thức được trách nhiệm của mình, chấp hành pháp luật, không vi phạm”.
Thời điểm hiện tại, có 138 tàu thuyền của huyện Phù Cát đang hoạt động ở các vùng biển phía Nam, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm về đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Bên cạnh việc tuyên truyền trực tiếp tại nơi neo đậu, lực lượng Công an huyện và Đồn Biên phòng còn trực tiếp đến thăm, nắm tình hình tại gia đình của những ngư dân đang đánh bắt hải sản xa bờ. Theo đó, lực lượng chức năng tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 04 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về các quy định và chế tài xử lý hình sự đối với cụ thể từng hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thuỷ sản và hậu quả về pháp lý, tài sản, tính mạng, sức khỏe của ngư dân khi vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.
Ông Huỳnh Minh Kiểm, ngư dân ở xã Cát Khánh cho biết: “Tôi có 4 đứa con đang đi đánh bắt cá xa bờ. Biên phòng, Công an thường xuyên đến tuyên truyền, vận động chấp hành Nghị quyết số 04 nên bản thân tôi cũng ý thức rõ trách nhiệm của mình và nhắc nhở các con tự giác chấp hành, không vi phạm pháp luật, tránh không bị xử lý hình sự và không để ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành thủy sản nước nhà”.
Kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) ra cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam (ngày 23/10/2017), cho tới nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt để triển khai các khuyến nghị của EC. Dự kiến, tháng 10/2024, Đoàn EC sẽ sang Việt Nam thanh tra lần thứ 5 về IUU. Đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam tháo gỡ “Thẻ vàng”. Bên cạnh nỗ lực của các cấp, các ngành, đề nghị từng ngư dân phát huy ý thức trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ các quy định khi khai thác thủy sản, góp phần tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”, đồng thời tránh phải bị xử lý hình sự theo quy định của Nghị quyết số 04.