Giao xe cho trẻ vị thành niên: Vi phạm pháp luật và nguy hiểm khôn lường.
Văn Quân - CATP Quy Nhơn
2023-11-16T10:53:06+07:00
2023-11-16T10:53:06+07:00
https://congan.binhdinh.gov.vn/vi/news/an-toan-giao-thong/giao-xe-cho-tre-vi-thanh-nien-nguy-hiem-truoc-mat-3716.html
https://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/news/2023_11/hien-truong-vu-tngt.jpg
Công an tỉnh Bình Định
https://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Việc lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường xử lý các hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, điều này góp phần tác động mạnh mẽ đến ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong lứa tuổi vị thành niên, học sinh vẫn còn diễn ra và có chiều hướng gia tăng.
Mới đây vào lúc 15h30’ ngày 11/11/2023, trên tuyến QL1A đoạn qua địa bàn thành phố Quy Nhơn, xảy ra vụ va chạm giữa xe mô tô do chị H.T.T.T (35 tuổi) trú phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn với xe mô tô do H.H trú phường Bùi Thị Xuân điều khiển, rất may vụ tai nạn không gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra tai nạn, H chỉ mới 15 tuổi, đang là học sinh của một Trường Trung học phổ thông trên địa bàn và chưa có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển xe mô tô tham gia giao thông. Người thân của H.H cho biết, vì phải đi học xa nhà, cha mẹ bận đi làm không có thời gian đưa đón nên gia đình đã giao chiếc xe trên để H đi học. Cũng tương tự như gia đình H, nhiều phụ huynh có con đang trong độ tuổi đến trường khi được hỏi cũng đưa ra nhiều lý do để biện minh cho việc con em điều khiển xe mô tô mặc dù biết các em chưa đủ tuổi để điều khiển phương tiện, biết đó là vi phạm pháp luật nhưng vì hoàn cảnh "bất khả kháng" nên mới giao xe cho các em.
Việc giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khôn lường, nhất là đối với trẻ vị thành niên, học sinh, vì ở lứa tuổi này thể chất, nhân cách của các em chưa phát triển đầy đủ, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, có tâm lý dễ bị lôi kéo, kích động nên dẫn đến các hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông như: Lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, bốc đầu, nẹt pô, đua, kéo xe… khi xảy ra tình huống sẽ không xử lý kịp thời dẫn đến tai nạn, gây nguy hiểm đến tính mạng cho chính bản thân và những người xung quanh.
Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường xử lý các hành vi vi phạm về an toàn giao thông, tiếp tục xử lý nghiêm đối với người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, trong đó tập trung xử lý người dưới 18 tuổi, học sinh và chủ phương tiện có liên quan. Ngoài ra, lực lượng Công an sẽ tăng cường phối hợp ngành giáo dục, đồng thời tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đến các trường học, khu dân cư. Cùng với đó rất cần sự quan tâm cùng chung sức, phối hợp đến từ các bậc phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục ý thức khi tham gia giao thông cho con em, vì chính phụ huynh mới là những người hiểu rõ nhất về đặc điểm tâm lý, nhân cách của các em; không vì bất kỳ một lý do nào để biện minh việc giao phương tiện cho các em; tính mạng, sức khỏe của các em và những người xung quanh là điều quan trọng nhất.
Theo quy định của pháp luật, hành vi giao phương tiện cho người không đủ điều khiển có thể bị phạt tiền đến 04 triệu đồng đối với xe mô tô, 12 triệu đồng đối với ô tô; trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng trở lên người giao phương tiện có thể bị xử lý hình sự với khung hình phạt lên đến 07 năm tù giam, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng.
Tác giả bài viết: Văn Quân - CATP Quy Nhơn