Logo CAND

Mờ mắt trước món lợi quá lớn.

Thứ ba - 31/05/2022 16:22 867 0
          Cuối tháng 5 vừa qua, TAND tỉnh đưa ra xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Chỉ vì mờ mắt trước món lợi quá lớn mà 5 người bị hại đã bị lừa số tiền lên đến 72 tỷ đồng.
Bị cáo Châu Thị Mỹ Hiệp (áo xanh) đối chất với những người bị hại tại phiên tòa.
Bị cáo Châu Thị Mỹ Hiệp (áo xanh) đối chất với những người bị hại tại phiên tòa.

          Tức giận, đau khổ, phẫn uất…là tâm trạng chung nhất của 5 người bị hại có mặt tại phiên tòa xét xử bị cáo Châu Thị Mỹ Hiệp (SN 1982, trú Thị xã Hoài Nhơn). Tất cả họ đều không cưỡng nổi món lợi quá lớn – cái bẫy mà bị cáo Hiệp đã giăng ra. Tại phiên tòa, khi luận tội, vị đại diện Viện kiểm sát nhận định rằng chính những người bị hại cũng có một phần lỗi vì đã quá chủ quan, không suy xét thiệt hơn khi dễ dàng cho bị cáo Châu Thị Mỹ Hiệp vay tiền với lãi suất rất cao (Hiệp khai lãi suất từ 0,3%/ ngày đến 0,6%/ ngày, nhưng không có căn cứ để chứng minh). Bởi nếu có mua bán đất và làm đáo hạn ngân hàng (như lời bị cáo Hiệp dẫn dụ họ) thì cũng khó có thể thu đủ lợi nhuận chỉ để trả số lãi đó. Bản thân bị cáo Châu Thị Mỹ Hiệp tại phiên tòa cũng không ít lần phủ nhận hành vi lừa đảo của mình mà cho rằng chính các bị cáo mới có lỗi, vì khi đã chấp nhận cho vay với mức lãi “khủng”, thì cũng phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi con nợ không còn khả năng chi trả (?!).

Tất nhiên, ngoài việc đưa ra mức lãi suất “khó cưỡng”, Châu Thị Mỹ Hiệp còn có nhiều thủ đoạn khác, dù không mới, nhưng cũng khiến những người bị hại mất khả năng đề kháng. Thời gian đầu vay nợ, Hiệp trả lãi rất sòng phẳng và đúng hẹn nhằm tạo uy tín. Đồng thời, bị cáo liên tục “up” trên Facebook những hình ảnh về cuộc sống sa hoa của gia đình với xe sang, hàng hiệu, những chuyến du lịch đắt tiền…Đồng thời, trong nhiều lần giao dịch vay nợ, Hiệp đề nghị người cho vay chuyển thẳng tiền vào tài khoản người khác, và dẫn dụ rằng đó là tiền giao dịch mua bán bất động sản, đáo hạn…Điều đó càng khiến chủ nợ tin tưởng việc làm ăn của Hiệp là có thật...Họ không biết rằng, thực chất Hiệp dùng chiêu lấy tiền vay của người mới trả cho người đã vay trước đó. Và cái hay là chủ nợ cũ cũng không hề hay biết, bởi khi nhận tiền thì nghĩ rằng đó là tiền của Hiệp trả nợ, nên càng tin tưởng và tiếp tục cho vay số tiền lớn hơn nữa. Đơn cử như trường hợp của bà L.T.T.H, ngày càng tin tưởng cho Hiệp vay, cuối cùng đã bị chiếm đoạt số tiền 44.342.549.000đ.

Trước khi thực hiện hành vi lừa đảo trong vụ án này, bản thân bị cáo Châu Thị Mỹ Hiệp từng là người đi vay rồi cho vay lại với lãi suất cao. Rủi ro “nghề nghiệp” đã xảy ra vào cuối tháng 10.2018 khi 1 con nợ vay của Hiệp số tiền 5,4 tỷ đồng đã bỏ trốn dẫn đến mất khả năng chi trả. Hiệp tìm cách che đậy sự thật, đồng thời hàng ngày phải dùng thủ đoạn gian dối vay tiền của người sau trả lãi cho người trước khiến số vay nợ ngày càng phình to, đỉnh điểm lên đến 126 tỷ đồng (trong đó cơ quan chức năng xác định số tiền lừa đảo là 72.500.079.000đ).

Phiên tòa sơ thẩm đã khép lại với bản án tù chung thân dành cho bị cáo Châu Thị Mỹ Hiệp. Tuy nhiên, với 5 người bị hại, rất nhiều việc ở phía trước đang chờ họ giải quyết bởi hệ lụy của vụ án này quá lớn, liên quan đến rất nhiều người khác nữa. Bởi, số tiền 72 tỷ đồng mà họ đã bị Châu Thị Mỹ Hiệp chiếm đoạt trong vụ án này phần lớn là gom góp, vay của người khác, qua nhiều tầng nấc khác nhau, khiến giờ đây xảy ra vỡ nợ dây chuyền, nhiều gia đình lâm cảnh khốn khó, túng quẫn. Giá như trước đó họ tỉnh táo hơn, không mờ mắt vì những món lợi quá lớn từ việc cho vay tiền thì đâu có kết cục buồn của ngày hôm nay./.

 

Tác giả bài viết: Minh Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây