Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ năm - 05/09/2024 16:311140
Từ ngày 01/8/2024, Nghị quyết số 04 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản sẽ có hiệu lực thi hành. Cùng với các cấp, các ngành, lực lượng Công an đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần nâng cao ý thức của bà con ngư dân trong việc chấp hành pháp luật khi hành nghề, góp phần tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” IUU.
Những ngày cuối tháng 7/2024, tàu thuyền đánh bắt cá xa bờ tấp nập cập Cảng cá Quy Nhơn sau chuyến hải trình kéo dài nhiều ngày trên biển. Hoạt động xếp dỡ, thu mua sản phẩm diễn ra trong không khí vui tươi, yên bình. Thời gian qua, hầu hết chủ tàu cá đều ý thức tuân thủ pháp luật trong quá trình đánh bắt hải sản, tuy nhiên đáng tiếc là vẫn còn một bộ phận nhỏ chủ tàu cá và ngư dân vì cái lợi trước mắt mà có hành vi vi phạm dẫn đến việc ngành thủy sản nước ta bị Ủy ban Châu Âu cảnh báo “Thẻ vàng”, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy hải sản. Để ngăn chặn hành vi sai phạm trên, nhiều giải pháp đã được triển khai, chủ yếu là tuyên truyền, vận động, thuyết phục, xử phạt hành chính… song không mang lại kết quả khả quan.
Trước thực trạng đó, Nghị Quyết số 04/2024/NQ-HĐTP được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua ngày 12/6/2024 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2024 là bước đột phá, tháo gỡ vướng mắc lâu nay về mặt pháp lý, có tính răn đe cao đối với hành vi vi phạm liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Nghị quyết gồm 11 điều hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 347, 348 và 349 về hành vi xuất cảnh, nhập cảnh để khai thác thủy sản trái phép; các điều 242, 244 về hành vi liên quan đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Điều 287 về hành vi cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông để khai thác thủy sản trái phép; các điều 188, 189, 198 và 341 về hành vi xâm phạm trong lĩnh vực thương mại thủy sản của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14. Để Nghị quyết số 04 đến với tất cả ngư dân, chủ tàu cá, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao các ngành chức năng, chính quyền địa phương có biện pháp tuyên truyền cụ thể, phù hợp, hiệu quả. Với trách nhiệm của mình, phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh đã tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh triển khai nhiều biện pháp thiết thực. Thượng tá Hồ Hiến Chương - Trưởng phòng An ninh kinh tế cho biết: “Từ giữa tháng 6/2024, ngay khi Nghị quyết số 04 được ban hành, lực lượng Công an đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương triển khai công tác thông tin, tuyên truyền đến với ngư dân, nhất là các chủ tàu thuyền, thuyền trưởng tàu cá đánh bắt xa bờ. Điều đáng mừng là qua các phương tiện thông tin truyền thông, hầu hết bà con ngư dân đã nắm rõ tinh thần của Nghị quyết số 04 về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Tuy nhiên, cụ thể từng hành vi vi phạm và chế tài hình sự mà Nghị quyết số 04 áp dụng thì một số bà con còn chưa nắm rõ. Do vậy, lực lượng Công an và ngành chức năng đã phát tờ rơi có in những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để bà con ngư dân hiểu rõ hơn, từ đó nghiêm túc chấp hành”.
Thời gian qua, với trách nhiệm của mình, Ban quản lý Cảng cá Bình Định - đơn vị quản lý Cảng cá Quy Nhơn và Cảng cá Đề Gi cũng đã có nhiều biện pháp thiết thực góp phần tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” IUU, đồng thời tuyên truyền vận động các chủ tàu cá nghiêm túc chấp hành pháp luật, tránh bị xử lý hình sự theo Nghị quyết số 04.
Ông Đào Duy Thiện - Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định cho biết: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các lực lượng liên quan, nhất là Công an, Biên phòng, Kiểm ngư liên tục tuyên truyền cho các đối tượng dễ có nguy cơ vi phạm "IUU". Bên cạnh việc tuyên truyền trực tiếp và phát tờ rơi, chúng tôi dán nhiều pano, áp phích tuyên truyền tại Cảng cá để mọi người, nhất là bà con ngư dân luôn ý thức trách nhiệm của mình về vấn đề chống khai thác IUU”.
Tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” IUU là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các cấp, các ngành thì hơn ai hết, bản thân từng chủ tàu cá, từng ngư dân phải nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật, tránh bị xử lý hình sự. Việc chấp hành nghiêm pháp luật của chủ tàu cá và ngư dân để góp phần tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” IUU vì sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam và phát triển kinh tế của đất nước.