Phát hiện nhiều vụ mỹ phẩm không hoá đơn, chứng từ.
Thành Long
2022-12-20T16:40:25+07:00
2022-12-20T16:40:25+07:00
https://congan.binhdinh.gov.vn/vi/news/trat-tu-an-toan-xa-hoi/phat-hien-nhieu-vu-my-pham-khong-hoa-don-chung-tu-2416.html
https://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/news/2022_12/c2856.mp4_snapshot_00.01.581-640x360.jpg
Công an tỉnh Bình Định
https://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Chỉ trong thời gian ngắn, Công an tỉnh và Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện nhiều vụ kinh doanh, chứa trữ mỹ phẩm lớn không rõ nguồn gốc để bán dịp Tết.
Mới đây nhất, ngày 14/12/2022, Đội Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Quy Nhơn phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra xe ô tô biển số 51D-439.18 do Lâm Hữu Huy (SN 1991 ở Ninh Thuận) điều khiển, đi đến địa bàn phường Trần Quang Diệu đang vận chuyển số lượng hàng hoá gồm: Giày thể thao, quần áo, mỹ phẩm trị giá gần 50 triệu đồng nhưng không có hoá đơn chứng từ. Trong đó, nhiều nhất là mỹ phẩm không rõ nhãn mác, không có hoá đơn được giấu trong lô hàng trên.
Thậm chí chỉ trong ngày 07/12/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh 04 vụ vi phạm về hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không có nhãn phụ Tiếng Việt tại 04 cửa hàng mua bán mỹ phẩm ở thành phố Quy Nhơn. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện lượng mỹ phẩm bị thu giữ gồm: Dung dịch tẩy da chết, kem trị mụn, kem phục hồi da, kem dưỡng ẩm, sữa rửa mặt, nước hoa hồng, serum cấp nước dưỡng ẩm phục hồi da, kem dưỡng ẩm trắng da mờ nám, bộ peel thay da sinh học, kem chống nắng… Chủ các cơ sở thừa nhận là chủ sở hữu của toàn bộ số mỹ phẩm “ngoại” nhưng không xuất trình được các hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp do mua trôi nổi trên thị trường.
Trước đó, cuối tháng 10 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 01 thuộc Cục Quản lý thị trường Bình Định phối hợp cùng Công an thị xã Hoài Nhơn kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất mỹ phẩm tại Công ty TNHH Mỹ phẩm Lê Thị ở phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn. Lực lượng chức năng đã phát hiện cơ sở này đang sản xuất mặt hàng kem trộn có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, bao bì hàng hóa. Cụ thể phát hiện 17.600 hộp mỹ phẩm các loại, ước tính khoảng 01 tỷ đồng, giả nhãn hiệu trên bao bì sản phẩm là Nicos Beauty mang tên Công ty TNHH Mỹ phẩm Thanh Nhi ở xã Phú Thông, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Theo đồng chí Trung tá Nguyễn Thanh Quang, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh thì ngoài mỹ phẩm trôi nổi bán tại các cửa hàng thì hiện nay hoạt động bán mỹ phẩm trên thương mại điện tử, internet, mạng xã hội, các ứng dụng trực tuyến... ngày càng phổ biến. Đây là môi trường thuận lợi để các đối tượng vi phạm lợi dụng bán các sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Vì vậy, người tiêu dùng cần lưu ý các thông tin trên bao bì, nhãn hàng hóa, hạn sử dụng, địa chỉ nơi sản xuất, công bố chất lượng. Đối với mỹ phẩm nhập khẩu người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ của mỹ phẩm, nhất là nhãn phụ bằng tiếng Việt phải đầy đủ thông tin bắt buộc theo quy định pháp luật Việt Nam, cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu phải rõ ràng.
Thời điểm cuối năm, đây là thời điểm mà mỹ phẩm giả, kém chất lượng càng nhiều. Người tiêu dùng cũng nên cảnh giác với các sản phẩm giá rẻ bất thường, các sản phẩm giá quá rẻ so với thị trường có thể tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm chất lượng, hàng giả,... Đồng thời, người tiêu dùng cần phản ánh kịp thời khi phát hiện các hành vi vi phạm trong kinh doanh mỹ phẩm cho các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Sở Y tế, Công an… để được xử lý cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình kịp thời.
Tác giả bài viết: Thành Long