Chủ động, nêu gương, kỷ cương

Liên tục xảy ra các vụ lừa đảo qua mạng  ở các huyện miền núi.

Thứ năm - 09/06/2022 17:24 1.249 0
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hàng loạt thủ đoạn qua mạng xã hội không chỉ đang diễn biến phức tạp ở các thành phố, thị xã  mà từ đầu tháng 4 đến nay loại tội phạm này nhằm người dân vùng cao  các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh ( Bình Định) để lừa đảo.
CA huyện An Lão làm việc với bị hại một vụ lừa đảo qua mạng xã hội.
CA huyện An Lão làm việc với bị hại một vụ lừa đảo qua mạng xã hội.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm 5,4% số vụ phạm pháp hình sự, tăng 06 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó An Lão 03 vụ; Vĩnh Thạnh 02 vụ. Đây là con số bị hại báo cáo, còn rất nhiều vụ lừa đảo vì tế nhị, sợ người thân biết đã mất tiền người dân không báo cáo cơ quan chức năng. Đáng nói có bị hại phải vay tiền người thân, thậm chí vay nóng để chuyển cho các đối tượng lừa đảo.
Hầu hết các thủ đoạn lừa đảo được các đối tượng diễn lại không có gì mới mẻ. Tuy nhiên, lợi dụng người dân vùng cao  có một số người ít tiếp cận công nghệ thông tin, sự cả tin  nên dễ dàng dính bẫy các đối tượng lừa đảo. Ngày 12/4,  2 đối tượng giả danh là lực lượng Công an, Viện Kiểm sát dùng điện thoại liên lạc với Nguyễn Thị Trúc L ( SN 1997, trú xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh) yêu cầu làm theo các hướng dẫn vì chị có liên quan đến đường dây ma túy. Dù đây là thủ đoạn đã quá cũ, tuy nhiên chị L đã truy cập trang web, cho số tài khoản, mã OTB để bên kia thanh tra. Sau khi tuần thủ theo các bước vì bị đối tượng hù liên quan đến vi phạm pháp luật, chị L phát hiện tài khản của mình mất 160 triệu đồng.
Một thủ đoạn đã rất cũ, xảy ra liên tục đối với những ai đang  sử dụng mạng xã hội, tuy chị Trần Thị X (SN 1967, trú thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) bị lừa vì chiêu trò này.Ngày 07/5, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều tài khoản Facebook đã bị hack, giả mạo là chủ tài khoản nhắn tin mượn tiền, chiếm đoạt số tiền 23 triệu đồng của chị Trần Thị X. Chị X mới được con cái lập cho tài khoản facebook nên cũng chưa thành thào khi sử dụng mạng xã hội. Vì vậy, khi bị nhắn tin mượn tiền thay vì gọi điện, kiểm tra, chị X đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo.
Đối tượng lừa đảo còn nhắm đến lòng tham của một số người dân vùng đồng bào muốn tìm việc. Thực tế không hề có "việc nhẹ lương cao", đây chỉ là những chiêu trò của các đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ, cả tin. Tuy nhiên, cuối tháng 4 vừa qua chị Nguyễn Thị N ở xã An hòa, huyện An Lão là nạn nhân thủ đoạn này.  Chị N vào mạng xã hội thì thấy "Công việc bán thời gian” và đã chuyển 369 triệu đồng cho bên công ty được nhận làm , chị N. thấy không có phản hồi, đối tượng hướng dẫn cắt liên lạc, chị N. biết mình bị lừa nên đến Công an huyện An Lão báo cáo vụ việc. Đáng nói để có số tiền trên, chị N còn phải vay mượn người thân mới có đủ.
Đầu tháng 4/2022, Đặng Thị Hồng H (SN 1975, trú tại An Hòa, An Lão) kết bạn Facebook với tài khoản Paulino Jeff tự xưng ở nước ngoài cần về Việt Nam sinh sống, muốn gửi tiền nhờ bà H mua giúp nhà, đất và xin số căn cước công dân, số điện thoại bà H để chuyển tiền về. Đến ngày 10/5/2022, có một phụ nữ gọi điện thông báo có gói hàng gửi từ nước ngoài về đến Hải quan Việt Nam, yêu cầu bà H nộp phí hải quan 36 triệu đồng vào 01 số tài khoản, bà H đồng ý. Sau đó, người phụ nữ nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu bà H chuyển thêm tiền. Từ ngày 10/5 – 18/5/2022, bà H đã chuyển tổng cộng 500 triệu vào số tài khoản trên. Sau khi nhận tiền, người phụ nữ trên không cho bà Hải nhận hàng và cắt đứt liên lạc. Ngày 27/5/2022, bà H đến Công an huyện An Lão trình báo vụ việc. Bà H cho biết: “Quá trình nộp tiền tôi  vẫn liên lạc được với người bạn nước ngoài nên cứ nghĩ người ta gửi tiền thật cho mình”. Bà H không biết rằng người mà bà kết bạn và người tự xưng là hải quan chỉ là một băng nhóm cấu kết lừa đảo. Ngây thơ hơn bà H giấu người thân để làm theo yêu cầu của đối tượng và còn nhắn tin năn nỉ các đối tượng trả lại tiền trước khi đến Cơ quan Công an trình báo.
Lợi dụng tính tình thật thà, sự nhẹ dạ cả tin, những người mới sử dụng mạng xã hội   của đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, đối tượng lừa đảo đang tăng cường chiêu trò về các huyện miền núi. Trước tình hình này, Công an các huyện miền núi chỉ đạo CA các xã, các đội nghiệp vụ tăng cường tuyền truyền cho người dân hiểu rõ các thủ đoạn lừa đảo qua mạng,   khuyến cáo người dân  không nên cho tài khoản  ngân hàng, mã OTB cho bất cứ ai khi chưa kiểm chứng. Thượng tá Huỳnh Ngọc Ánh, phó trưởng Công an huyện An Lão khuyến cáo: “ Trong năm 2021 trên địa bàn huyện An Lão không xảy ra các vụ lừa đảo qua mạng xã hội, tuy nhiên  những tháng đầu năm nay, đối tượng lừa đảo tấn công địa bàn miền núi. Để không mất tiền,  người dân khi nhận các cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền, giao dịch tiền  thì tuyệt đối không chuyển mà báo ngay cho Cơ quan Công an gần nhất”.


 

Tác giả bài viết: Thành Long

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây