Sáu tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Định diễn ra phức tạp. Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực thú y tăng cường giám sát, phát hiện sớm từ đó khoanh vùng, dập dịch, tiêu hủy, khử trùng theo đúng quy định đồng thời tiến hành tiêm vắc xin để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Do đó, đến thời điểm hiện tại dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò nói riêng và tình hình dịch bệnh ở động vật nói chung trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát.
Thời gian qua, mưa lũ cũng đã làm cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị ngập nước kéo dài, động vật bị nước cuốn trôi, là điều kiện thuận lợi phát sinh dịch bệnh. Thêm vào đó, hoạt động tái đàn, vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Vì vậy nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến là rất cao,
Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bình Định đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh triển khai đồng bộ các mặt công tác nghiệp vụ, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường ở địa phương chủ động nắm chắc tình hình, phòng ngừa và kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi tập kết, vận chuyển, tiêu thụ các loại sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy kiểm dịch tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; kiểm soát hoạt động của các cơ sở giết mổ tại địa phương. Tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông, chủ động phát hiện và kịp thời phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ trong và ngoài nghành công an ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng, các phương tiện vận chuyển hàng đông lạnh là sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch động vật và kiểm soát dịch bệnh trên các tuyến giao thông theo quy định pháp luật. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng và cơ quan chuyên môn của địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, tiêu thụ, giết mổ, chế biến thực phẩm từ động vật, qua đó nâng cao ý thức người dân về vấn đề vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.