Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ năm - 29/08/2024 08:513120
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra thêm nhiều trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại hoặc qua mạng xã hội, đặc biệt là đối tượng nhằm vào người cao tuổi, dù thủ đoạn không mới so với trước.
Để ngăn ngừa tình trạng này, Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp với ngành Ngân hàng để cung cấp thông tin, kỹ năng nhận diện và phòng tránh lừa đảo cho người dân.
Công an thành phố Quy Nhơn ngoài tuyên truyền các kỹ năng nhận biết các thủ đoạn lừa đảo cho các nhân viên ngân hàng thì đã triển khai “Phiếu khảo sát” đến 34 tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố. Khách hàng khi đến ngân hàng giao dịch thực hiện phiếu khảo sát nhằm nhận biết các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng để cảnh giác, phòng ngừa. Khi gặp tình huống như trong phiếu khảo sát cần bình tĩnh, không hoang mang lo sợ, không làm theo hướng dẫn của đối tượng mà báo ngay cho nhân viên Ngân hàng để được tư vấn.
Hay Công an thị xã An Nhơn thường xuyên thông báo các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo đến các Ngân hàng trên địa bàn thị xã. Từ tháng 5 đến nay, Công an thị xã đã in 15.000 tờ rơi tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo gửi đến các Ngân hàng.
Phòng Cảnh sát hình sự Công tỉnh phối hợp Ngân hàng Agribank chi nhánh Bình Định tổ chức Hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn công tác phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng và tập huấn kỹ năng phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm lừa đảo. Đối với nhân viên Ngân hàng trực tiếp giao dịch, cơ quan Công an tuyên truyền về đặc điểm, dấu hiệu nhận biết, nhận diện tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các giao dịch ngân hàng của khách hàng khi đến giao dịch cũng như các biện pháp ngăn chặn, phối hợp với lực lượng Công an trong việc đấu tranh, ngăn chặn và xử lý đối với loại tội phạm này.
Hiện nay, Công an các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều phối hợp các Ngân hàng ở địa phương chủ động giúp người dân nhận diện phương thức, thủ đoạn của đối tượng lừa đảo. Theo đó, nhân viên Ngân hàng nhận diện dấu hiệu lạ của khách hàng, nhanh chóng nắm bắt tình hình, báo tin tới cơ quan Công an, kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo. Đồng thời, hai bên cũng bàn các giải pháp phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng.
Từ đầu năm đến nay, Công an các đơn vị, địa phương phối hợp các Ngân hàng ngăn chặn 12 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 05 tỷ đồng. Giám đốc Công an tỉnh đã kịp thời khen thưởng 08 nhân viên ở các Ngân hàng, nhiều nhất là các Ngân hàng ở địa bàn thành phố Quy Nhơn đã nhận diện được khách hàng đến chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo nên đã tìm cách thuyết phục và phối hợp cơ quan công an ngăn chặn.
Tuy vậy, số vụ ngăn chặn được chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số vụ lừa đảo. Thượng tá Trương Văn Phụng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho rằng: “Sự cảnh giác của người dân vẫn là yếu tố quyết định để không rơi vào bẫy lừa đảo. Dù có cảnh báo đến đâu, tuyên truyền đến đâu thì bản thân mỗi người dân phải tự bảo vệ tài sản của mình. Một điều mấu chốt quan trọng nhất là mật khẩu OTP của mình không được phép cung cấp cho bất cứ ai; không tham lam vào các khoản quà, khoản hời trên mạng xã hội. Khi đến Ngân hàng chuyển tiền, nhất là người lớn tuổi cần thông báo cho người thân, nhân viên Ngân hàng biết”.