Logo CAND

Tăng cường chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba - 15/08/2023 04:12 594 0
Thực hiện Kiến nghị số 2247/KN-UBTP15 ngày 20/6/2023 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XV về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người, Công an tỉnh đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Công văn chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng chức năng tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam  Huỳnh Thanh Nhơn về tội Mua bán người (ngày 14/2/2023).
Lực lượng chức năng tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Huỳnh Thanh Nhơn về tội Mua bán người (ngày 14/2/2023).
Trong thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương trên cả nước, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, mang tính chất vô nhân đạo, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước và nước ngoài, do đối tượng chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người hoặc từng là bị hại, người thân thích với bị hại thực hiện; tình trạng mua bán người trong nội địa có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây; đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán thai nhi. Trong 05 năm (từ 01/01/2018 đến 31/12/2022), cả nước phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, trong đó xử lý hình sự 386 vụ với 808 đối tượng.
         
Trên địa bàn tỉnh, tình hình tội phạm mua bán người tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an đã khởi tố 05 vụ - 01 bị can về tội mua bán người, có 06 nạn nhân (02 nạn nhân dưới 16 tuổi) bị mua bán ra nước ngoài; Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 01 vụ - 01 bị can; Viện Kiểm sát đã truy tố 01 vụ - 01 bị can về Tội mua bán người. Thủ đoạn tội phạm chủ yếu là dụ dỗ nạn nhân đi làm việc nhẹ, lương cao, sau đó lừa qua Campuchia cưỡng bức lao động, bán nạn nhân làm việc trong các sòng bài hoặc bóc lột tình dục, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn.
Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 5528/UBND-NC ngày 04/8/2023 chỉ đạo các sở, ngành, hội, đoàn thể, chính quyền địa phương thực hiện việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh theo kiến nghị của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội. Trong đó, tập trung vào các nội dung:
         
Thứ nhất,
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; chú trọng tuyên truyền, phổ biến tình hình tội phạm, nguy cơ, thủ đoạn tội phạm mua bán người thường sử dụng; tập trung vào nhóm các đối tượng có nguy cơ bị mua bán... UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, trình độ văn hóa, nhận thức của nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; quan tâm, có biện pháp thu hút, tạo việc làm cho người dân tại địa phương nhằm giúp người dân cải thiện cuộc sống để phòng ngừa bị mua bán.
         
Thứ hai,
Tăng cường quản lý, phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát các cơ sở, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ mua bán người, tập trung vào các lĩnh vực tư vấn lao động, đưa người đi làm việc ở nước ngoài, kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, dịch vụ internet, mạng xã hội, hoạt động du lịch, cơ sở lưu trú, các lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm… để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để thực hiện hành vi mua bán người.
         
Thứ ba, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh
chỉ đạo lực lượng chuyên trách về phòng, chống mua bán người tập trung làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình, quản lý địa bàn, biên giới, trên biển, xuất nhập cảnh, quản lý cư trú, xác định các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, các đối tượng nổi lên; tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới biển, đảo để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm mua bán người. Mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Tiếp nhận kịp thời tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan mua bán người và khẩn trương triển khai công tác xác minh, điều tra, truy tìm, bảo vệ nạn nhân. Thường xuyên rà soát, kiểm tra hành chính các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự,  khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, địa bàn giáp ranh nơi tội phạm thường lợi dụng hoạt động để chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm mua bán người. Phối hợp chặt chẽ Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp trong điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm mua bán người, đảm bảo đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội; chú trọng phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người trong nội địa và mua bán người qua biên giới.
         
Thứ tư, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
tăng cường phối hợp Sở Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra để có giải pháp phù hợp phòng ngừa, phát hiện mua bán người trong lĩnh vực môi giới lao động, đưa người đi làm việc ở nước ngoài, tiếp nhận người lao động vào làm việc ở Việt Nam, kết hôn có yếu tố nước ngoài, cho nhận con nuôi… Chỉ đạo việc tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về hiệu quả, tạo điều kiện giúp đỡ họ khắc phục khó khăn về kinh tế, xóa đi mặc cảm về bản thân, hỗ trợ học nghề, đào tạo việc làm để sớm ổn định cuộc sống. Đảm bảo các điều kiện tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh để tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Tác giả bài viết: Khương My

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây