Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ tư - 17/08/2022 14:576080
Thời gian vừa qua, không ít vụ việc liên quan đến ANTT, thậm chí án mạng mà thủ phạm là người bị hạn chế khả năng nhận thức. Ranh giới khó xác định giữa đối tượng này với người bị tâm thần khiến việc quản lý, phòng ngừa không hề dễ dàng và hậu quả thì người trong cộng đồng phải gánh chịu, có khi mất mạng oan uổng.
Cuối tháng 7 vừa qua, Phùng Văn Hương (SN 1992, trú xã Cát Tường, huyện Phù Cát) bị Hội đồng xét xử TAND tỉnh tuyên phạt 8 năm tù về tội “giết người”. Tại phiên tòa, bị hại là bà Nguyễn Thị Kế cho biết, bản thân vẫn còn hoảng loạn mỗi khi nhớ đến việc mình bị Hương dùng rựa cắt cổ. May có hàng xóm là anh Nguyễn Thanh Lâm nghe tiếng kêu cứu đã tri hô, Hương sợ lộ bỏ chạy nên bà Kế thoát chết trong gang tấc. Nguy hiểm đã qua, song nỗi ám ảnh thì vẫn còn đó.
Trước thời điểm gây án và tại thời điểm gây án, Phùng Văn Hương được xác định bị hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi do chấn thương sọ não. Lâu nay ở địa phương, mọi người đều biết Hương bị “chạm”, tuy nhiên thấy hiền lành, không gây gổ với ai nên xem như “vô hại”. Ngờ đâu, trong một lúc “chập mạch”, Hương trở thành kẻ sát nhân. Khoảng 10h30 ngày 04.10.2021, Hương mang theo một cây rựa đến bụi tre sau nhà bà Nguyễn Thị Kế để trộm búp măng. Trong lúc trộm, phát hiện nhà để trống cửa nên Hương lẻn vào trộm cắp. Trong lúc đang lục tìm, bị bà Kế phát hiện, sợ lộ nên hắn đã dùng rựa tấn công nạn nhân. Ông Mai Văn Cường – kiểm sát viên thực hành quyền công tố cho biết: bị cáo Hương do bị hạn chế khả năng nhận thức nên nghĩ đơn giản việc thực hiện hành vi trên nhằm ngăn việc bà Kế kêu la, không ý thức đó là việc làm hết sức nguy hiểm, là hành vi “giết người”. Xuyên suốt phiên tòa, bị cáo Hương vẫn luôn giữ một bộ mặt lạnh lùng, không có vẻ gì ăn năn, hối hận; cũng không có dấu hiệu của sự lo lắng khi nghe tòa tuyên án.
Trước đó, vào giữa tháng 3.2022, một trường hợp tương tự thế là Lê Trọng Thanh (SN 1995, trú xã Phước An, huyện Tuy Phước) bị xét xử về tội “giết người”. Thời điểm gây án, bị cáo Thanh cũng bị hạn chế khả năng nhận thức đã bất ngờ dùng rựa chém nhiều nhát vào đầu anh N.N.T (27 tuổi, ở huyện Tuy Phước), cướp đi tính mạng người thanh niên trẻ tuổi. Khi tòa tuyên án 16 năm tù, gương mặt của bị cáo Thanh cũng không có biểu hiện gì. Với hắn, có xử bao nhiêu năm thì cũng như nhau.
Bà Nguyễn Thị Lan - mẹ của bị cáo Thanh cho biết “trước vụ án, nó đã có dấu hiệu không bình thường, đã báo chính quyền, song không đủ cơ sở để đưa vào bệnh viện tâm thần. Gia đình luôn bất an với những hành động bất thường của nó và luôn theo dõi để phòng ngừa. Thế mà chỉ một lúc sơ sẩy, nó đã gây ra sự việc đau lòng như thế”.
Vào ngày 19.12.2020, tại TP.Quy Nhơn cũng từng xảy ra 1 vụ việc mà đối tượng gây án có biểu hiện “chập mạch”. Lê Đại Hùng (22 tuổi, ở TP.Hồ Chí Minh) và Trần Minh Nam (30 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) đều có tình trạng thần kinh không bình thường tình cờ gặp nhau tại bãi biển Nha Trang. Có lẽ do cùng “hệ” nên cả 2 lập tức kết thân và rủ nhau chạy xe máy ra Hà Nội làm nghề…ca hát. Trên đường đi, đến TP.Quy Nhơn gặp trời mưa lạnh lẽo. Để thuận tiện cho việc ra Hà Nội làm “ca sỹ”, chúng vào showroom ôtô trên đường Tây Sơn, leo lên một chiếc xe trưng bày đang nổ máy, chở nhau thẳng tiến ra phía Bắc. Rất may công an nhận tin báo đã ngăn chặn kịp thời, nếu không hậu quả thật khó lường được. Vụ án này, Trần Minh Nam đã phải nhận lãnh bản án 12 năm tù, còn Lê Đại Hùng được xác định bị tâm thần nên đã được đưa vào cơ sở chữa trị, chờ xét xử.
Từ những vụ việc nêu trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp hữu hiệu để góp phần ngăn ngừa những hành vi nguy hiểm từ người bị hạn chế khả năng nhận thức, không để mối họa chực chờ cho người vô tội.