Logo CAND

Hoạt động sơ chế mực xà của một số hộ dân trên địa bàn xã Cát Khánh, huyện Phù Cát gây ô nhiễm môi trường tại đầm Đề Gi.

Thứ hai - 19/09/2022 13:57 828 0
Hiện nay, trên địa bàn xã Cát Khánh, huyện Phù Cát có 46 hộ đang hoạt động sơ chế mực xà tập trung ở 02 thôn An Quang Tây và An Quang Đông. Thời điểm sản xuất chính từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm, mỗi tháng sản xuất từ 10 đến 12 ngày với số lao động bình quân mỗi hộ trên 10 người. Nguồn nguyên liệu mực xà tươi từ hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân tại địa phương và từ một số địa phương khác vận chuyển đến.
Hoạt động sơ chế mực xà của một số hộ dân trên địa bàn xã Cát Khánh,  huyện Phù Cát gây ô nhiễm môi trường tại đầm Đề Gi.
Sau khi thu mua mực xà, các hộ tiến hành xẻ, rửa trước khi phơi khô. Nước rửa mực có các hàm lượng chất gây ô nhiễm cao vượt xa tiêu chuẩn cho phép như: Tổng Nitơ, NH3, chất rắn lơ lửng (TSS), nhu cầu oxy sinh hóa (BOD),.. nhưng các cơ sở không thực hiện thu gom để xử lý mà toàn bộ nước thải từ hoạt động rửa mực được xả trực tiếp ra mương thoát nước và chảy trực tiếp xuống Đầm Đề Gi gây bốc mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, hoạt động phơi mực tự nhiên ngoài trời với số lượng lớn đã gây ra tình trạng bốc mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xung quanh.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm do hoạt động sơ chế mực xà tại xã Cát Khánh, UBND huyện Phù Cát đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Cơ quan chức năng, Công an huyện, UBND xã Cát Khánh, Công an xã Cát Khánh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và các hội đoàn thể xã tổ chức đến từng hộ gia đình vận động, tuyên truyền, thuyết phục người dân và yêu cầu từng hội viên ký cam kết chấm dứt việc sơ chế mực xà gây ô nhiễm môi trường nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn.


Tháng 8/2022, Công an xã Cát Khánh đã tham mưu UBND xã Cát Khánh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động sơ chế mực xà trên địa bàn. Qua kiểm tra đã lập Biên bản vi phạm hành chính và tham mưu UBND huyện ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực môi trường đối với 15 cơ sở, với số tiền 613 triệu đồng. Ngoài ra, đang lập hồ sơ đề xuất xử lý theo quy định đối với 31 cơ sở còn lại.
           
Từ tình hình trên, Phòng Cảnh sát môi trường nhận thấy: để giải quyết dứt điểm tình trạng sơ chế mực xà gây ô nhiễm môi trường thì các Cơ quan chức năng cần thực hiện một số nội dung sau: tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến các hộ dân sơ chế mực xà trên địa bàn về công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường để người dân nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, trong đó có biện pháp, công trình bảo vệ môi trường phù hợp với hoạt động sơ chế mực xà; Tổ chức đối thoại với tất cả các cơ sở sơ chế mực xà để kịp thời nắm bắt và giải quyết các vấn đề phát sinh, không để xảy ra khiếu kiện đông người và điểm nóng xã hội; xây dựng và triển khai phương án hỗ trợ di dời các cơ sở sơ chế mực xà vào khu vực sản xuất tập trung đã đầu tư hoàn chỉnh công trình bảo vệ môi trường, chuyển đổi trong trường hợp chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở sơ chế mực xà tại xã Cát Khánh; Kiên quyết xử lý các hộ dân cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tác giả bài viết: Tấn Hưng - Phòng CSMT

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây