XD phong cách Bản lĩnh, nhân văn

Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động thu mua, tái chế phế liệu các loại trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Thứ năm - 29/09/2022 09:04 1.477 0
Trong thời gian qua, số lượng các cơ sở, hộ kinh doanh hoạt động thu mua phế liệu, tái chế phế liệu, đặc biệt là các cơ sở xay nhựa không ngừng gia tăng trên địa bàn tỉnh Bình Định, tập trung nhiều tại huyện Phù Mỹ, huyện Phù Cát, thị xã An Nhơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cháy nổ, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân sinh sống xung quanh.
Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động thu mua, tái chế phế liệu các loại trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Như chúng ta đã biết, hoạt động thu mua phế liệu, tái chế phế liệu đã góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua việc thu gom, phân loại để tái chế, tái sử dụng các loại rác thải, giảm lượng rác thải ra môi trường. Tuy nhiên, mặt trái của ngành nghề này mang lại đối với môi trường là không hề nhỏ, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp. Cụ thể: phần lớn các cơ sở thu mua phế liệu, tái chế phế liệu trên địa bàn chưa chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, như chưa lập hồ sơ môi trường, trong quá trình xay nhựa không xây dựng hệ thống xử lý nước thải mà thải trực tiếp nước thải ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; rác từ khâu bóc, tách phế liệu không bán hoặc xay được thì các cơ sở tập kết thành đống và đốt. Nguy hiểm hơn, tại các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu, các chủ cơ sở không tiến hành phân loại chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát như các thiết bị điện tử hỏng, vỏ chai dầu nhớt, sơn đã qua sử dụng, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất... để chuyển giao cho đơn vị có chức năng để xử theo quy định mà lại để chung với các loại phế liệu khác, đem đốt hoặc xay thành hạt để bán. Hành vi này đã thải vào môi trường các chất có thành phần nguy hại, tác động xấu đến cho môi trường, gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân. Ngoài ra, tại các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu không đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng chống cháy nổ, các loại phế liệu để ngổn ngang trong khu vực cơ sở và ngay cả bên ngoài diện tích đất của cơ sở nên dễ gây ra cháy nổ.
 
z3067635377313 f53678a0f4106c9f1d6a3d2eeefd71bec2 640x335

Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về môi trường cho các cơ sở, hộ kinh doanh trên địa bàn, trong đó tập trung vào hướng dẫn các quy định về phân loại, quản lý chất thải nguy hại, các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động. Bên cạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, trong thời gian qua, Phòng cảnh sát môi trường đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe người dân. Cụ thể, ngày 31/8/2022, Phòng Cảnh sát môi trường đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường trong quá trình hoạt động xay nhựa phế liệu đối với 01 cơ sở tái chế phế liệu tại thôn CCN Gò Đá Trắng, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn đã phát hiện cơ sở xả nước thải có các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nhiều lần. Đơn vị đã củng cố hồ sơ và tham mưu Giám đốc Công an tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở tái chế phế liệu với tổng số tiền là 51.000.000 đồng.

Mặc dù, hoạt động kinh doanh, tái chế phế liệu là công việc mưu sinh của nhiều hộ gia đình và người dân, nhưng chúng ta không thể “đánh đổi môi tường vì lợi ích kinh tế”. Trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động của các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu gây ra trên địa bàn đã ở mức đáng báo động. Một phần nguyên nhân xuất phát tự nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của người dân, một phần nguyên nhân từ công tác quản lý nhà nước đối với loại hình hoạt động này chưa nghiêm ngặt.

Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát môi trường sẽ tăng cường công tác nắm tình hình, đồng thời chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường cấp huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về môi trường cho người dân và các chủ cơ sở hoạt động thu mua, tái chế phế liệu trên địa bàn, tham mưu các cấp chính quyền có các giải pháp căn cơ để vừa ổn định cuộc sống người dân, vừa bảo vệ môi trường như di dời các cơ sở tái chế phế liệu vào khu, cụm công nghiệp, kiểm soát tình trạng các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu tự phát trên địa bàn. Đồng thời kiên quyết kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở chây ì trong công tác bảo vệ môi trường, xả nước thải không qua hệ thống xử lý nước thải, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong dư luận
.

Tác giả bài viết: Tấn Hậu - Phòng CSMT

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây