Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập và Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý tổ chức phổ biến, quán triệt và có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp về công tác PCTNTC trong thời gian tới; chỉ đạo khẩn trương rà soát và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm trong công tác PCTNTC thời gian qua tại ngành, địa phương, đơn vị mình, nhất là các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm đã được phát hiện qua công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án... của các cơ quan có thẩm quyền.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu, của tập thể lãnh đạo các ngành, địa phương, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là thực hiện có hiệu quả các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; trách nhiệm giải trình; việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động; việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thường xuyên tự kiểm tra, rà soát để ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo nhằm khắc phục ngay những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, nhất là đối với các ngành, các lĩnh vực liên quan đến đấu giá, đấu thầu, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính công, xã hội hóa, tài chính, xây dựng... Tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực qua các hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, thi hành án.
Các Cơ quan Thanh tra Nhà nước, Cơ quan điều tra, thi hành án chú trọng tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động PCTNTC thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý, phụ trách; đồng thời tăng cường kiểm soát quyền lực để PCTNTC ngay trong cơ quan, đơn vị mình; phối hợp thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa xử lý kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật đoàn thể và xử lý hình sự, nhất là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan và đại biểu dân cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan báo chí và đề cao vai trò, trách nhiệm của Nhân dân trong công tác PCTNTC; triển khai có hiệu quả hoạt động PCTNTC ra khu vực ngoài nhà nước theo quy định của pháp luật.