Thượng tá Võ Biên Cương, Trưởng Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh, cho biết: Từ thực tiễn trên địa bàn tỉnh cho thấy, công tác phối hợp giữa cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án trong thi hành án treo, án cải tạo không giam giữ được quan tâm, thống nhất trong chuyển giao, tiếp nhận bản án. Đồng thời, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho công tác lập, đăng ký hồ sơ; phối hợp với UBND cùng cấp trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quản lý, theo dõi, giám sát, giáo dục người chấp hành án.
Thị xã Hoài Nhơn là một trong những địa phương làm tốt công tác này. Công an các xã, phường đã tham mưu, phối hợp với UBND cùng cấp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, giáo dục người chấp hành án hòa nhập cộng đồng.
Trong đó, điển hình là phường Hoài Đức quản lý chặt chẽ đối tượng đang chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ trong cộng đồng, tỷ lệ tái phạm thấp. Đầu năm 2021, ông Nguyễn Đức T. (SN 1980, trú tại khu phố Lại Khánh) bị bắt về tội hủy hoại tài sản. Với hành vi này, ông T. bị kết án 18 tháng cải tạo không giam giữ. Theo đánh giá, trong suốt thời gian chấp hành án, ông T. đều chấp hành tốt các quy định đối với người đang thụ án.
Theo đại úy Lữ Đình Khoa, Phó Trưởng Công an phường Hoài Đức, ông T. là 1 trong 9 trường hợp đang chấp hành án treo, án cải tạo không giam giữ trên địa bàn phường. Trong số này, có 8 đối tượng chấp hành án treo và 1 đối tượng chấp hành án cải tạo không giam giữ; chủ yếu phạm các tội đánh bạc, vi phạm các quy định về ATGT, hủy hoại tài sản.
Để quản lý và giáo dục tốt người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ trong cộng đồng, ngay khi tiếp nhận hồ sơ từ Công an huyện, Công an phường Hoài Đức và chính quyền họp bàn, thống nhất bàn giao cho lực lượng Công an để phân công cán bộ theo dõi, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương. Hằng tháng, người chấp hành án sẽ tự nhận xét, đánh giá về quá trình giáo dục của bản thân. Nếu cải tạo tốt, sẽ được đề xuất rút ngắn thời hạn thử thách.